TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TÔN GIÁO (KỶ NIỆM 132 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH 19/5/1890 - 19/5/2022)

Thứ tư - 18/05/2022 15:43 3.995 0
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho thế hệ sau những di sản tư tưởng quý báu, trong đó có lĩnh vực tôn giáo. Những lời di huấn, các bài viết, những cử chỉ và cách ứng xử của Người đối với tôn giáo là những bài học quý báu.
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TÔN GIÁO (KỶ NIỆM 132 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH 19/5/1890 - 19/5/2022)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo là bộ phận của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, đó là sự vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về tôn giáo trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
Đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo là những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc
Hồ Chí Minh cho rằng: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”. Đoàn kết toàn dân, trong đó có đoàn kết dân tộc và tôn giáo là yếu tố cơ bản đưa tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng ấy nằm trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh.
Với tinh thần đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo hết lòng phấn đấu cho sự nghiệp cứu nước, kiến quốc, từ đó xóa dần những định kiến, mặc cảm do lịch sử để lại và âm mưu chia rẽ tôn giáo của các thế lực thù địch.
Hồ Chí Minh cho rằng, đoàn kết lương giáo là đoàn kết lâu dài và toàn diện, là vấn đề chiến lược. Thái độ chân tình, cởi mở, bao dung và luôn thấu hiểu nỗi trăn trở, suy tư của đồng bào của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng tín đồ các tôn giáo.
Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố trước toàn dân ngày 2/9/1945 đã kế thừa và phát triển những giá trị của những tư tưởng tiến bộ về quyền con người trong các cuộc cách mạng. Chỉ sau một ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 03/9/1945 Hồ Chí Minh đã chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Trong phiên họp này, Chủ tịch đã nêu sáu vấn đề cấp bách cần giải quyết, trong đó vấn đề thứ sáu, Người nói: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”.
Mục tiêu đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc của Hồ Chí Minh là nhằm đạt ước vọng mà cả cuộc đời Người hy sinh phấn đấu để thực hiện, đó là giải phóng dân tộc, giải phóng con người thoát khỏi sự nô dịch, áp bức, bất công. Người cho rằng, dưới chế độ thực dân phong kiến, đồng bào các tôn giáo đều bị áp bức, bóc lột nặng nề, khi Tổ quốc bị ngoại bang đô hộ thì các tôn giáo cũng không được tự do. Vì vậy, đồng bào các tôn giáo cần đoàn kết lại và đoàn kết với toàn dân đấu tranh giành lại độc lập cho Tổ quốc và tự do cho tôn giáo.
Ngày 13/9/1945, Hồ Chí Minh đã có cuộc họp mặt với đại biểu các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Cao đài tại thủ đô Hà Nội, Người nói: “Dân tộc giải phóng thì tôn giáo mới được giải phóng. Lúc này chỉ có quốc gia mà không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc”. Người kêu gọi các tôn giáo hãy dẹp bỏ hiềm khích, đoàn kết cùng toàn dân lo cho nền độc lập của nước nhà. Độc lập cho dân tộc và hạnh phúc cho toàn dân là mẫu số chung để đoàn kết mọi người, không kể lương hay giáo, có đạo hay không có đạo, cũng như có tín ngưỡng khác nhau trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Để đoàn kết lương giáo, Người luôn nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ cả nước phải: “Quan tâm, chăm sóc cho cuộc sống vật chất và tinh thần của đồng bào các tôn giáo. Mong sao sản xuất ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui”.
Ngay từ phút đầu tiên, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam độc lập, tuyệt đại đa số tín đồ các tôn giáo trong cả nước nhiệt liệt hưởng ứng các phong trào yêu nước như quyên góp vàng bạc ủng hộ chính quyền, tham gia kháng chiến. Nhiều người còn nhớ cử chỉ của Giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã dâng thánh giá bằng vàng trong “Tuần lễ vàng” để xây dựng đất nước. Và chính tư tưởng đại đoàn kết toàn dân không phân biệt lương giáo, dân tộc của Người đã là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, là chiến lược lâu dài của cách mạng Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quan điểm quan trọng trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về tôn giáo. Tư tưởng đó được thể hiện nhất quán trong lý luận và hoạt động thực tiễn của Người và đã trở thành nguyên tắc nền tảng xuyên suốt trong chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.
Cơ sở xuất phát của tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do tín ngưỡng, tôn giáo là tôn trọng đức tin của mỗi người. Người đã chỉ ra rằng, mặc dù thế giới quan của người cách mạng khác với thế giới quan tôn giáo, song không vì vậy mà đối đầu, nghi kỵ nhau, ngược lại, phải tôn trọng đức tin của mỗi người. Hồ Chí Minh luôn thể hiện là một con người mẫu mực trong việc tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng nhân dân.
Ngày 14/6/1955, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Người đã ký sắc lệnh 234/SL về vấn đề quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, theo đó khẳng định: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Mỗi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Tư tưởng đó nhất quán từ trước đến sau, và Người đã thể hiện một cách rất chân thành, có hiệu quả to lớn. Năm 1958, khi trả lời câu hỏi của cử tri Hà Nội: “Tiến lên chủ nghĩa xã hội thì tôn giáo có bị hạn chế không?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nhắc lại thái độ của người cộng sản đối với tôn giáo: “Không. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam ta cũng vậy”. Người cũng nêu rõ những giá trị đạo đức và văn hóa nhất định của các tôn giáo:

“Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái.
 Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi.
Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”

Hồ Chí Minh coi tôn giáo là một yếu tố cấu thành và là di sản văn hóa của nhân loại. Có được sự nhìn nhận ấy phải là con người trải qua một quá trình trải nghiệm trong thực tiễn cách mạng và sự am hiểu các tôn giáo một cách tường tận, để khai thác, chắt lọc những giá trị tinh túy của nó nhằm tiếp thu, kế thừa.
Tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt về nhận thức, tư tưởng; tìm ra và phát huy điểm tương đồng, mẫu số chung về mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ cao cả của dân tộc luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu mối quan hệ chặt chẽ giữa tôn giáo với dân tộc một cách giản dị, dễ hiểu nhưng rất độc đáo và sâu sắc: Kinh chúa gắn liền với yêu nước, phụng sự Thiên chúa và phụng sự Tổ quốc, nước có vinh thì đạo mới sáng, nước có độc lập thì tín ngưỡng mới được tự do. Theo quan niệm của Người, đối với người có tôn giáo thì đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không hề mâu thuẫn. Một người dân Việt Nam có thể là một người dân yêu nước, đồng thời cũng vẫn là một tín đồ chân chính. Tôn giáo chỉ có thể khẳng định được mình khi sống giữa lòng dân tộc và dân tộc trên con đường phát triển cần biết phát huy những giá trị tích cực của tôn giáo.
Từ chủ nghĩa yêu nước, Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin với khác vọng giành độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Qua thực tiễn hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng và nhân dân ta những di sản quý giá, trong đó có tư tưởng của Người về tôn giáo. Tư tưởng của Người về tôn giáo là sự vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về tôn giáo trong hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, cho đến ngày nay tư tưởng ấy vẫn còn nguyên giá trị./.

Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, 1996.
2. GS.TS Lê Hữu Nghĩa – PGS.TS Nguyễn Đức Lữ, Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo, NXB Tôn giáo, 2003.

Tác giả bài viết: Huỳnh Thanh Khanh - BTG

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây