Từ năm 1975 trở về trước, xuất phát từ tình hình thực tế của chiến trường trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở miền Nam nói chung và Bình Định nói riêng, công tác tổ chức cán bộ của tỉnh dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Khu ủy đã động viên, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào lực lượng cách mạng lập nên nhiều chiến công hiển hách, giải phóng Bình Định vào ngày 31/3/1975.
Sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà hoàn toàn thống nhất, công tác tổ chức bộ máy, cán bộ công chức thuộc khu vực Nhà nước được chuyển giao từng bước từ sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy qua UBND tỉnh.
Để giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác tổ chức, xây dựng chính quyền, xây dựng đội ngũ công nhân viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Đảng bộ Bình Định đã thành lập Phòng Tổ chức cán bộ Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Bình Định (tiền thân của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh và Sở Nội vụ ngày nay). Nhiệm vụ chủ yếu của Phòng Tổ chức của UBND là tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phối hợp với các ngành, các cấp, các đoàn thể, MTTQ tỉnh thực hiện công tác xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng các cấp ở địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ, thực hiện chính sách cán bộ và quản lý biên chế các cơ quan hành chính, sự nghiệp trong toàn tỉnh… Mặc dù mới được thành lập trong điều kiện vừa học, vừa làm, song Phòng Tổ chức cán bộ Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh về sắp xếp, bố trí, thực hiện chính sách cán bộ, kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương, góp phần giải quyết và khắc phục hậu quả sau chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, trước yêu cầu thực tế đòi hỏi về công tác tổ chức nhà nước ở địa phương và thực hiện hướng dẫn của Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ về công tác tổ chức nhà nước, ngày 06 tháng 12 năm 1976 Chủ tịch UBND tỉnh Nghĩa Bình ký Quyết định số 954 QĐ/TC thành lập Ban Tổ chức của Uỷ ban Nhân dân tỉnh sau đó đổi tên thành Ban Tổ chức chính quyền tỉnh đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của UBND tỉnh, đồng thời bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Nhâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban Ban Tổ chức Ủy ban Nhân dân tỉnh; đồng chí Hoàng Tống, Trưởng phòng Tổ chức Ủy ban làm Phó Trưởng ban Thường trực. Chức năng của Ban là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, giúp UBND tỉnh thực hiện về quản lý nhà nước về công tác tổ chức nhà nước với những nhiệm vụ trọng tâm:
- Xây dựng đề án thành lập, sát nhập, chia tách, điều chỉnh các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện công tác xây dựng chính quyền các cấp; phối hợp với các cơ quan hữu quan của tỉnh tổ chức, hướng dẫn thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; tổ chức hướng dẫn theo dõi việc thực hiện công tác địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh, nâng cấp đô thị. Xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở và thực hiện chính sách cán bộ chính quyền cơ sở
- Nghiên cứu xây dựng các đề án về tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc tỉnh …
- Chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, quản lý biên chế, quỹ tiền lương, chế độ chính sách vv…của đội ngũ CBCNVC ở các đơn vị hành chính, sự nghiệp và các tổ chức Hội trên địa bàn tỉnh.
Ngày 01 tháng 07 năm 1989 tỉnh Bình Định được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Nghĩa Bình thành tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Ngãi. Từ thời điểm này Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Bình Định chính thức được thành lập và đi vào hoạt động.
Cách mạng ngày càng phát triển, yêu cầu đối với công tác tổ chức nhà nước cấp tỉnh ngày càng cao, mô hình Ban Tổ chức chính quyền tỉnh không còn phù hợp với điều kiện đất nước đang trong tiến trình hội nhập, mở rộng quan hệ với nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, đến cuối năm 2003 căn cứ Quyết định số 248/2003/QĐ-TTg ngày 20/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 194/2003/QĐ-UB ngày 05/12/2003 đổi tên Ban Tổ chức chính quyền thành Sở Nội vụ và chính thức sử dụng tên gọi này kể từ ngày 15/12/2008 cho đến nay.
Năm 2008 ghi thêm nhiều dấu ấn đối với ngành Nội vụ. Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh giản bộ máy của Đảng và Nhà nước, một số cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực được thành lập, trong đó có Sở Nội vụ. Công tác quản lý nhà nước về Tôn giáo, Thi đua - khen thưởng và Văn thư - Lưu trữ được chuyển về ngành Nội vụ. Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BNV ngày 04/6/2008 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Ban Thi đua - Khen thưởng trực thuộc Sở Nội vụ tại Quyết định số 1891/QĐ-CTUBND và Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ tại Quyết định số 1889/QĐ-CTUBND vào ngày 08/9/2008.
Cùng với sự phát triển chung của cả nước và của tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo của HĐND, UBND tỉnh ngành Tổ chức nhà nước tỉnh không ngừng phát triển và trưởng thành. Trong quá trình phát triển, Sở Nội vụ đã từng bước được giao bổ sung chức năng nhiệm vụ và điều chỉnh cơ cấu tổ chức cho phù hợp với thực tiễn yêu cầu quản lý nhà nước, đồng thời bảo đảm tính tập trung thống nhất trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành trong cả nước. Cụ thể: bổ sung chức năng quản lý nhà nước đối với hội và tổ chức phi chính phủ (1998); quản lý công tác cải cách hành chính (2002); quản lý nhà nước về tôn giáo, thi đua khen thưởng và văn thư lưu trữ nhà nước (2008). Đến nay Sở Nội vụ đã trở thành Sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, từ tổ chức bộ máy nhà nước đến văn thư, lưu trữ, tôn giáo và thi đua - khen thưởng.
Về bộ máy ngành Tổ chức nhà nước cấp huyện có thời gian thành lập Ban Tổ chức chính quyền, sau đó hợp nhất với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành Phòng Tổ chức - Lao động xã hội. Thực hiện Nghị định 14/2008/NĐ-CP, Phòng Tổ chức - Lao động xã hội được chia tách và thành lập Phòng Nội vụ cho đến nay.
Ý kiến bạn đọc