Mùa thu năm 1945, với khí thế cách mạng sục sôi, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên, tiến hành tổng khởi nghĩa làm nên cao trào Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đưa nước ta bước sang một thời kỳ lịch sử mới hào hùng - thời kỳ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Lịch sử nhân loại cũng lần đầu tiên chứng kiến, một chính đảng của giai cấp công nhân, tuy chỉ mới ra đời mười lăm năm nhưng đã tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc, đứng lên đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.
Để bảo vệ thành quả thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ngày 28 tháng 8 năm 1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (thành lập ngày 16/8/1945) đã được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trong Chính phủ lâm thời có Bộ Nội vụ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng, để thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ máy nhà nước, bảo vệ chính quyền cách mạng.
Ngày 28 tháng 8 năm 1945 đã đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức nhà nước. Ghi nhận, đánh giá những công lao vô cùng to lớn của các thế hệ cán bộ, công chức ngành Tổ chức nhà nước, ngày 17/4/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg về lấy ngày 28 tháng 8 hàng năm là Ngày truyền thống của ngành Tổ chức nhà nước (hiện nay là ngành Nội vụ).
Ngay khi mới ra đời, nhiệm vụ đầu tiên mà cơ quan Nội vụ của Chính phủ và các địa phương trong cả nước thực hiện, là phải nhanh chóng xây dựng và củng cố về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, xây dựng đội ngũ công chức cách mạng, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội..., nhất là việc xây dựng hệ thống chính quyền thống nhất từ trung ương tới địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cách mạng... góp phần xác định cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước cách mạng kiểu mới trong chưa có tiền lệ trong lịch sử của dân tộc.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, ngành Nội vụ trong cả nước đã đóng vai trò then chốt, giúp Đảng và Chính phủ xây dựng, củng cố và hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương, tổ chức tiếp quản các vùng mới được giải phóng, xây dựng đội ngũ công chức cách mạng, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao, cụ thể là: xây dựng và quản lý chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức; thành lập các tổ chức mới thuộc thẩm quyền; xây dựng, củng cố chính quyền địa phương các cấp; quản lý địa giới các đơn vị hành chính; chỉ đạo việc tổ chức bầu cử; quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp, sản xuất; trong lĩnh vực nội vụ như: xây dựng và thực hiện các chế độ chính sách đối với thương binh liệt sĩ; chỉ đạo thực hiện chính sách với Việt kiều về nước; quản lý các hội; quản lý hộ tịch, hộ khẩu, phòng cháy chữa cháy; giải quyết đơn thư khiếu tố; kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương, đảm bảo bộ máy nhà nước tổ chức, điều hành và động viên nhân dân khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế mà, giữ vững an ninh, chính trị, góp phần vào việc xây dựng và củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc làm hậu phương lớn cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Từ những đóng góp có ý nghĩa này, ngành Nội vụ cũng đã góp phần tạo nên những thắng lợi vô cùng vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của Mùa xuân 1975, đất nước ta được giải phóng và hoàn toàn thống nhất. Ban Tổ chức - Cán bộ ở các cấp đã làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền về tổ chức bộ máy, công chức, công vụ thống nhất từ trung ương đến địa phương, góp phần đẩy nhanh quá trình hàn gắn và khôi phục, phát triển sau chiến tranh ở các địa phương và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới, đứng trước những khó khăn, thách thức vô cùng to lớn, đặt ra cho ngành Nội vụ những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Đó là, cần phải kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương các cấp, thực hiện tách chức năng quản lý hành chính nhà nước với quản lý sản xuất, kinh doanh, phân cấp cho chính quyền địa phương và tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với cơ chế mới và xu hướng hội nhập khu vực, thế giới góp phần giữ gìn trật tự trị an xã hội, an ninh chính trị, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một tốt hơn.
Ý kiến bạn đọc