Năm 2021, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021, nhằm đánh giá khách quan chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước. Thông qua đó, cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ công nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức.
Nội dung đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là các nhận định, đánh giá, mức độ hài lòng và sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ công, sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, tập trung ở 5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước các cấp ở địa phương, gồm: Tiếp cận dịch vụ; Thủ tục hành chính; Công chức giải quyết công việc; Kết quả dịch vụ; Việc tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị.
Chỉ số SIPAS của tỉnh Bình Định năm 2021 đạt 8.76 điểm/10 điểm, đạt 87.67%, đứng vị trí 23/63 tỉnh, thành phố; tăng 6 bậc so với năm 2020 và đứng vị trí 2/11 tỉnh, thành phố khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên theo thứ tự lần lượt từ cao đến thấp: Huế (vị trí thứ 17, 88.60%), Bình Định (vị trí thứ 23, 87.67%), Đà Nẵng (vị trí thứ 34, 86.89%), Kon Tum (vị trí thứ 44, 86.13%), Gia Lai (vị trí thứ 45, 86.00%), Đắk Nông (vị trí thứ 47, 85.66%), Quảng Ngãi (vị trí thứ 53, 84.48%), Phú Yên (vị trí thứ 54, 84.45%), Khánh Hòa (vị trí thứ 56, 84.40%), Quảng Nam (vị trí thứ 57, 84.24%), Đắk Lắk (vị trí thứ 59, 83.65%).
Kết quả Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Bình Định qua các năm:
Năm | Chỉ số SIPAS (%) | |
2018 | Kết quả | 71.81 |
Xếp hạng | 61 | |
2019 | Kết quả | 81.81 |
Xếp hạng | 45 | |
2020 | Kết quả | 86.17 |
Xếp hạng | 29 | |
2021 | Kết quả | 87.67 |
Xếp hạng | 23 |
Qua bảng kết quả trên, có thể thấy Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Bình Định có xu hướng ngày càng cải thiện, tỷ lệ phần trăm điểm tăng dần qua các năm từ 2018 đến năm 2021 và vị trí xếp hạng tăng rõ nét khi Bình Định đứng vị trí 45/63 tỉnh, thành cả nước, đã tăng lên vị trí 23/63 tỉnh, thành vào năm 2021, cụ thể kết quả Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Bình Định năm 2021 trong 5 yếu tố đánh giá quá trình cung ứng địch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước, có 3 yếu tố đạt kết quả cao hơn so với năm 2020: Tiếp cận dịch vụ đạt 90.16%, tăng 3.57% so với năm 2020; Công chức giải quyết công việc đạt 87.18%, tăng 3.19% so với năm 2020; Kết quả dịch vụ đạt 90.78%, tăng 2.36% so với năm 2020; và 2 yếu tố có kết quả thấp hơn năm 2020: Thủ tục hành chính đạt 89.52%, giảm 1.23% so với năm 2020; Việc tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị đạt 80.72%, giảm 0.86% so với năm 2020. Theo kết quả đánh giá của Bộ Nội vụ, sự chuyển biến của Chỉ số SIPAS năm 2021 được thể hiện qua các nội dung được đánh giá, cụ thể:
+ Chỉ số hài lòng về Tiếp cận dịch vụ đạt 90.16% cao hơn giá trị trung bình chung của cả nước (88.66%). Qua kết quả khảo sát, tỷ lệ người dân, tổ chức được tiếp cận thông tin về cơ quan nộp hồ sơ, nhận kết quả phần lớn qua người thân, bạn bè (58.00%); qua cán bộ, công chức cấp xã (51.25%); tỷ lệ tiếp cận thông tin qua mạng internet còn rất thấp (18.75%); qua các hình thức tuyên tuyền còn hạn chế như từ phương tiện thông tin đại chúng (26.75%), loa phát thanh cấp xã (13.50%). Điều này cũng thể hiện qua chỉ số mong đợi mở rộng các hình thức thông tin (52.25%).
+ Chỉ số hài lòng về Thủ tục hành chính đạt 89.52% cao hơn giá trị trung bình chung của cả nước (88.48%). Qua kết quả khảo sát, công chức tại nơi nộp hồ sơ, trả kết quả là kênh thông tin giúp người dân, tổ chức biết về quy định thủ tục hành chính được đánh giá cao với tỷ lệ 84.50%; tuy nhiên, việc sử dụng mạng internet để tìm hiểu về quy định thủ tục hành chính còn thấp thể hiện qua tỷ lệ tiếp cận các kênh như: qua website Cổng dịch vụ công quốc gia (12.75%), qua website tỉnh/cơ quan (26.00%).
+ Chỉ số hài lòng về công chức giải quyết TTHC đạt 87.18% thấp hơn giá trị trung bình chung của cả nước (88.25%). Qua kết quả khảo sát, báo động tình trạng vẫn còn tiếp diễn việc công chức gây phiền hà, sách nhiễu và phải đưa tiền ngoài phí/lệ phí trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, tình trạng người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần vẫn còn diễn ra (4 lần: 1.50%; trên 4 lần: 0.25%). Cụ thể các nội dung được đánh giá về công chức đều thấp hơn so với giá trị trung bình chung của cả nước: Công chức có thái độ giao tiếp lịch sự, Công chức chăm chú lắng nghe câu hỏi, ý kiến và Công chức trả lời, giải thích câu hỏi, ý kiến đầy đủ có tỷ lệ 87.22%; Công chức hướng dẫn kê khai hồ sơ dễ hiểu (87.97%); Công chức hướng dẫn kê khai hồ sơ một lần là có thể hoàn thiện hồ sơ (86.72%); Công chức giải quyết công việc đúng quy định (87.22%); Công chức tận tình giúp đỡ (86.72%). Ngoài ra, chỉ số mong đợi của người dân, tổ chức muốn cơ quan hành chính nhà nước ưu tiên cải thiện để mang lại sự hài lòng cao hơn đó là: tăng cường nhận hồ sơ và trả kết quả qua đường bưu điện (46.00%), cũng như tỷ lệ cao 55.75% người dân, tổ chức muốn rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
+ Chỉ số hài lòng về kết quả giải quyết TTHC đạt 90.78% cao hơn giá trị trung bình chung của cả nước (89.52%). Qua kết quả khảo sát, việc thực hiện ghi giấy hẹn tại các Bộ phận Một cửa chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định, vẫn còn tình trạng công chức hẹn miệng thay vì viết giấy hẹn trả kết quả theo quy định (0.25%). Mặc dù tỷ lệ trễ hẹn trong giải quyết TTHC của tỉnh không cao (chỉ chiếm 0.75%); tuy nhiên, việc có thông báo trễ hẹn và thực hiện xin lỗi người dân, tổ chức vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc đối với những hồ sơ giải quyết TTHC bị trễ hẹn (66.67% không có thông báo trễ hẹn và 66.67% không thực hiện xin lỗi).
+ Chỉ số hài lòng về tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị đạt 80.72% thấp hơn giá trị trung bình chung của cả nước (80.90%). Mặc dù các ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị (GYPAKN) về dịch vụ công của người dân, tổ chức ở tỉnh là khá ít nhưng việc tiếp nhận, xử lý các ý kiến GYPAKN của tỉnh nhận được sự hài lòng không cao từ người dân, tổ chức. Sự đánh giá này tương ứng với kết quả đánh giá của từng nội dung về tiếp nhận, xử lý ý kiến GYPAKN: việc người dân, tổ chức dễ dàng thực hiện GYPAKN với tỷ lệ đánh giá chỉ 80.72%, đồng thời cơ quan tiếp nhận, xử lý tích cực các GYPAKN chỉ đạt 76.55% và 80,72% cơ quan có thông báo kịp thời kết quả xử lý.
Qua kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính hàng năm để làm cơ sở xác định, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, sự hài lòng của người đân, tổ chức. Thực hiện biểu dương, khen thưởng, xử lý đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương có Chỉ số SIPAS không đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính nhằm tạo sự lan tỏa, động lực thúc đẩy trong việc cung ứng dịch vụ hành chính công, phục vụ người dân, tổ chức tốt hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, khách quan về kết quả cải cách hành chính nói chung, kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nói riêng tới người dân, tổ chức nhằm giúp nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức về quyền lợi và trách nhiệm trong việc tham gia giám sát, phản hồi ý kiến về chất lượng cung ứng dịch vụ công, chất lượng phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính nhà nước các cấp./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thanh Trà - P.CCHC-VTLT
Ý kiến bạn đọc