Tại cuộc họp, đồng chí Trịnh Xuân Long – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Ban Chỉ đạo báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh trong 06 tháng đầu năm 2022: Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương thực hiện phổ biến, quán triệt và xây dựng, triển khai kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025. Đến nay, có 11/11 địa phương đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch về cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025 và đã hoàn thành 17/40 nhiệm vụ theo danh mục các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 – 2025. Sự quyết tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã đạt được kết quả cải thiện tốt hơn năm trước của các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Các thành viên Ban Chỉ đạo đã tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của 06 lĩnh vực cải cách hành chính: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử.
Sau khi nghe báo cáo tóm tắt, các thành viên Ban Chỉ đạo tham gia ý kiến về tình hình triển khai, những hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình hành động số 09 như: Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết TTHC vẫn còn tồn tại một số đụa phương, một số lĩnh vực có tỷ lệ trễ hẹn cao như: đất đai, xây dựng, đăng ký hộ kinh doanh; tỷ lệ văn bản ký số trao đổi trên môi trường mạng của một số UBND cấp xã chưa cao; một số cơ quan, đơn vị ban hành các kế hoạch về CCHC chưa sát và phù hợp yêu cầu CCHC của từng ngành, cơ quan, đơn vị; một số nơi chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cải cash hành chính…
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động 09; đồng chí Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo đã phát biểu chỉ đạo các nội dung sau:
- Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện từng nhiệm vụ cải cách hành chính được giao, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử. Tăng cường đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; trong đó, các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính phải cụ thể, khả thi, xác định rõ kết quả theo lộ trình hàng năm, gắn với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện và bố trí đủ nguồn lực bảo đảm để triển khai các nhiệm vụ.
- Rà soát chặt chẽ các quy định thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của từng sở, ban ngành và địa phương; đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, cắt giảm, cắt bỏ các khâu trung gian, các bất cập không cần thiết cho các cơ quan của tỉnh, gây khó khăn người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động, tạo bước đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.
- Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định liên quan của các bộ ngành Trung ương để phân cấp ủy quyền giữa các cấp chính quyền địa phương nhằm phát huy năng lực sở trường, phù hợp với tình hình thực tế, nhanh gọn hiệu quả trong việc triển khai thực hiện, gắn với tinh thần trách nhiệm cao.
- Giao Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo năng lực triển khai các phần mềm nền tảng, ứng dụng và cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh phục vụ phát triển chính quyền số và đô thị thông minh.
- Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở ngành đề xuất xây dựng tổ chức bộ máy đảm bảo mục tiêu và nhiệm vụ “Đề án thí điểm đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh”.
Trong thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công, thường xuyên theo dõi, báo cáo kết quả thực hiện cho Trưởng ban Chỉ đạo./.
Tác giả bài viết: Nguyễn thị Thanh Trà - P.CCHC-VTLT
Ý kiến bạn đọc