Năm 2021, thực hiện Quyết định số 1149/QĐ-BNV ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số Cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” và các văn bản hướng dẫn triển khai; các bộ, tỉnh tiếp tục đánh giá, xác định Chỉ số Cải cách hành chính tại 19 bộ, cơ quan ngang bộ, 02 cơ quan đặc thù và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhằm đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính và thông qua Chỉ số cải cách hành chính xác định rõ mặt mạnh, mặt yếu trong thực hiện cải cách hành chính, qua đó giúp cho các bộ, các tỉnh có những điều chỉnh cần thiết về mục tiêu, nội dung và các giải pháp trong triển khai cải cách hành chính hàng năm, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 43 tiêu chí, 102 tiêu chí thành phần.
Trong tháng 5 năm 2022, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021. Theo kết quả công bố, Chỉ số PAR INDEX năm 2021 tỉnh Bình Định đạt 86.70%, xếp hạng 30/63 tỉnh, thành phố (tăng 2.73 điểm và tăng 01 bậc so với năm 2020).
Kết quả Chỉ số cải cách hành chính của Bình Định qua các năm:
Năm | Chỉ số PAR INDEX (%) | |
2017 | Kết quả | 70.29 |
Xếp hạng | 59 | |
Xếp loại | Nhóm C | |
2018 | Kết quả | 73.80 |
Xếp hạng | 53 | |
Xếp loại | Nhóm C | |
2019 | Kết quả | 79.86 |
Xếp hạng | 46 | |
Xếp loại | Nhóm C | |
2020 | Kết quả | 83.97 |
Xếp hạng | 31 | |
Xếp loại | Nhóm B | |
2021 | Kết quả | 86.70 |
Xếp hạng | 30 | |
Xếp loại | Nhóm B |
Qua bảng kết quả trên, có thể thấy Chỉ số Cải cách hành chính của Bình Định có xu hướng ngày càng cải thiện, tỷ lệ phần trăm điểm tăng dần qua các năm từ 2017 đến năm 2021 và vị trí xếp hạng tăng rõ nét khi Bình Định đứng vị trí 59/63 tỉnh, thành cả nước, đã tăng lên vị trí 30/63 tỉnh, thành vào năm 2021, cụ thể kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 trong 8 lĩnh vực, có 4 lĩnh vực xếp vị trí cao hơn năm 2020: Công tác chỉ đạo điều hành tăng 5 bậc, từ vị trí 40 lên vị trí 35 với số điểm tăng tương ứng là 0.44 điểm; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tăng 6 bậc, từ vị trí 43 lên vị trí 37 với số điểm tăng tương ứng là 0.21 điểm; ấn tượng nhất là lĩnh vực Cải cách thủ tục hành chính tăng 31 bậc, từ vị trí 62 lên vị trí 31 với số điểm tăng tương ứng là 1.82 điểm; Cải cách tổ chức bộ máy tăng 14 bậc, từ vị trí 60 lên vị trí 46 với số điểm tăng tương ứng là 1.02 điểm; và 4 lĩnh vực ở vị trí thấp hơn năm 2020: Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC giảm 6 bậc, từ vị trí 44 tụt hạng xuống vị trí 50 với số điểm giảm tương ứng là 0.06 điểm; Cải cách tài chính công giảm 22 bậc, từ vị trí 21 tụt hạng xuống vị trí 43 với số điểm giảm tương ứng là 0.69 điểm; Hiện đại hóa hành chính giảm 12 bậc, từ vị trí 2 tụt hạng xuống vị trí 14 với số điểm giảm tương ứng là 0.18 điểm; Tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mặc dù điểm tăng 0.16 điểm nhưng vị trí giảm 15 bậc, tụt hạng từ vị trí 6 xuống vị trí 21. Theo kết quả đánh giá của Bộ Nội vụ năm 2021, các lĩnh vực cải cách hành chính tỉnh Bình Định đạt điểm và không đạt điểm tối đa, cụ thể:
- Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính: các tiêu chí đạt điểm tối đa gồm Thực hiện chế độ báo cáo CCHC định kỳ; Công tác Kiểm tra CCHC, Công tác tuyên truyền CCHC; Thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tỉnh không đạt điểm tối đa đối với các tiêu chí thành phần gồm Thực hiện Kế hoạch CCHC, Về sáng kiến CCHC.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện VBQPPL: các tiêu chí đạt điểm tối đa gồm Theo dõi thi hành pháp luật, Rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Tỉnh không đạt điểm tối đa đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần gồm Xử lý văn bản trái pháp luật do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kiến nghị; Tác động của cải cách đến chất lượng VBQPPL do tỉnh ban hành.
- Cải cách thủ tục hành chính: các tiêu chí đạt điểm tối đa gồm Kiểm soát quy định thủ tục hành chính; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh. Tỉnh không đạt điểm tối đa đối với các tiêu chí gồm Công bố, công khai TTHC và kết quả giải quyết hồ sơ; Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; Kết quả giải quyết TTHC.
- Cải cách tổ chức bộ máy: các tiêu chí đạt điểm tối đa gồm Thực hiện quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành về tổ chức bộ máy; Thực hiện các quy định về quản lý biên chế. Tỉnh không đạt điểm tối đa đối với các tiêu chí gồm Thực hiện phân cấp quản lý; Tác động của cải cách đến tổ chức bộ máy hành chính.
- Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC: các tiêu chí đạt điểm tối đa gồm Thực hiện cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm; Tuyển dụng công chức, viên chức; Thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức theo thẩm quyền của tỉnh; Thực hiện quy định về bổ nhiệm vị trí lãnh đạo tại các cơ quan hành chính; Mức độ hoàn thành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Tỉnh không đạt điểm tối đa đối với các tiêu chí gồm Đánh giá, phân loại công chức, viên chức; Cán bộ, công chức cấp xã; Tác động của cải cách đến quản lý cán bộ, công chức; Tác động của cải cách đến chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
- Cải cách tài chính công, các tiêu chí đạt điểm tối đa gồm Công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Tỉnh không đạt điểm tối đa đối với các tiêu chí, tiêu chí, tiêu chí thành phần gồm Tổ chức thực hiện công tác tài chính - ngân sách; Thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập; Tác động của cải cách đến quản lý tài chính công.
- Hiện đại hóa hành chính: các tiêu chí đạt điểm tối đa gồm Ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh; Thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; Áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001) theo quy định. Tỉnh không đạt điểm tối đa đối với các tiêu chí thành phần gồm Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Tác động của cải cách đến hiện đại hóa hành chính.
- Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: các tiêu chí đạt điểm tối đa gồm Mức độ thu hút đầu tư của tỉnh; Thực hiện thu ngân sách hàng năm của tỉnh theo Kế hoạch được Chính phủ giao; Tỷ lệ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn. Tỉnh không đạt điểm tối đa các tiêu chí thành phần gồm Kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh; Mức độ phát triển doanh nghiệp của tỉnh; Mức độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Trên cơ sở kết quả đánh giá của Bộ Nội vụ năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện phân tích, đánh giá các tiêu chí những điểm đạt được và những điểm còn hạn chế, đề ra các giải pháp cụ thể để cải thiện hơn nữa kết quả các chỉ số của tỉnh trong thời gian tới đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Tỉnh ủy tại Chương trình hành động số 09 về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 – 2025. Với sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy và chính quyền các cấp đã thực hiện trong công tác cải cách hành chính, góp phần xây dựng nền hành chính của tỉnh từng nước hiện đại, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới chất lượng phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Đông thời, đây cũng là một trong những điều kiện cần để thu hút các doanh nghiệp gia nhập thị trường và đầu tư sản xuất kinh doanh tại Bình Định, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh./.
Nguồn: Báo cáo Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Bộ Nội vụ và Báo cáo số 72/BC-SNV ngày 01/6/2022 của Sở Nội vụ tỉnh Bình Định./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thanh Trà - P.CCHC-VTLT
Ý kiến bạn đọc