Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trước vận mệnh đất nước đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” vì thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ việc động viên sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam là điều rất cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cấp bách của cách mạng: Xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống Nhân dân.
Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc trên cả nước. Người chỉ rõ: Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Người kêu gọi: Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng nước ta.
75 năm qua, thi đua đã trở thành một động lực cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023), từ tháng 2, Cục Văn hóa cơ sở đã phát động cuộc thi vẽ tranh cổ động tuyên truyền cho sự kiện này. Hội đồng nghệ thuật đã tuyển chọn được 74 tranh cổ động có giá trị tuyên truyền cao từ hơn 500 tác phẩm của gần 200 họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, công dân Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài gửi về.
Các tác phẩm nhằm tuyên truyền rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc ý nghĩa của Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó củng cố và bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Góp phần lan tỏa phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa của đất nước./.
Ý kiến bạn đọc