Trong năm 2022, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp về công tác cải cách hành chính như sau:
1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2022. Các sở, ngành, địa phương xây dựng và ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 để triển khai công tác cải cách hành chính một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trên cơ sở bám sát Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 20/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về cải cách hành chính tỉnh năm 2022 để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Đổi mới nội dung, phương pháp đánh giá chỉ số cải cách hành chính, nâng cao tính chính xác, khách quan, minh bạch; sử dụng hiệu quả các thông tin của chỉ số cải cách hành chính để cải thiện nâng cao hiệu quả cải cách hành của các sở, ngành, địa phương.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật kỷ cương hành chính, tham nhũng, tiêu cực và gây phiền hà cho nhân dân.
2. Nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật; tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách do tỉnh ban hành còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhanh quá trình phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc thay thế cho phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của tỉnh.
3. Đẩy mạnh rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý, nhất là những quy định, thủ tục không phù hợp, không cần thiết, gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp; gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tăng cường phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính” và Đề án “Phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong việc thực hiện Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 giai đoạn 2022 - 2027”. Nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch cụ công của tỉnh và thực hiện việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công và Bộ phận một cửa các cấp.
4. Các sở, ngành tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Tiến hành rà soát, quy định về vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức gắn với cơ cấu lại và bố trí công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với thực tế và theo đúng quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Tiếp tục xây dựng Đề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện giảm tối thiểu 2% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
5. Thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt công chức, viên chức; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức chuyên môn theo quy định.
Tăng cường phân cấp, phân quyền trong xử lý công việc; xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân gắn với đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; cá thể hóa hơn nữa trách nhiệm cá nhân theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhất là về thủ tục hành chính.
Thực hiện quy hoạch cán bộ giai đoạn 2025 - 2030 gắn với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức và bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm.
6. Thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức ngoài công lập tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trên các lĩnh vực.
Các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
7. Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) về chuyển đổi số tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử.
Có các biện pháp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; đẩy mạnh dịch vụ chứng thực điện tử và sử dụng dịch vụ chứng thực điện tử trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đảm bảo cung cấp và lưu trữ hồ sơ, giấy tờ điện tử có giá trị pháp lý cho người dân, doanh nghiệp. Phát triển mô hình đô thị thông minh./.
Tác giả bài viết: Sở Nội vụ
Ý kiến bạn đọc