Trong năm qua, UBND tỉnh Bình Định luôn quan tâm đến công tác CCHC và chỉ đạo xuyên suốt, toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Nhiều văn bản chỉ đạo về công tác CCHC được ban hành và triển khai có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ. Qua đó, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Qua phân tích kết quả Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số SIPAS năm 2020 của tỉnh Bình Định, một số tiêu chí, tiêu chí thành phần bị giảm điểm hoặc chưa đạt yêu cầu đề ra do một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm trong việc triển khai các chương trình, kế hoạch CCHC hàng năm một cách khả thi, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của ngành, địa phương theo từng lĩnh vực được giao; kết quả giải quyết TTHC bị trễ hẹn còn cao, đặc biệt là đối với cấp huyện; một số phòng chuyên môn trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn cấp huyện còn cơ cấu chưa hợp lý, số lượng công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý nhiều hơn số lượng công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý; công tác tuyên truyền việc giải quyết TTHC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa cao; vẫn còn tình trạng tiếp nhận và trả hồ sơ cho người dân, tổ chức ngoài bộ phận Một cửa; số lần đi lại để giải quyết TTHC từ 3 lần trở lên của người dân, tổ chức vẫn còn nhiều; việc thực hiện xin lỗi đối với những hồ sơ giải quyết TTHC bị trễ hẹn chưa được thực hiện nghiêm túc.
Để tiếp tục cải thiện Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số SIPAS của tỉnh các năm tiếp theo, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm triển khai thực hiện một số nhiệm vụ:
Một là, gắn kết quả triển khai thực hiện công tác CCHC với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Nghiêm túc đánh giá đúng thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân hạn chế công tác CCHC của cơ quan, đơn vị, địa phương; có biện pháp, giải pháp cụ thể khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC;xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch cải cách hành chính hàng năm một cách khả thi, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của ngành, địa phương theo từng lĩnh vực được giao. Thường xuyên thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, mọi tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về CCHC. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ, giải quyết TTHC đối với cán bộ, công chức, viên chức, việc thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động công vụ.
Hai là, tăng cường hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL; kịp thời phát hiện các sai sót, đưa ra phương án giải quyết và xử lý triệt để các vấn đề phát hiện qua kiểm tra. Tiếp tục thực hiện theo dõi thi hành pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, xử lý triệt để các vấn đề phát hiện qua kiểm tra.
Ba là, 100% TTHC và các quy định có liên quan đến TTHC được kịp thời công bố, cập nhật, công khai; kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý 100% các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; thường xuyên rà soát đơn giản hoá và rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục hành chính. Hoàn thiện, tái cấu trúc các TTHC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và kịp thời tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; chấn chỉnh, giải quyết dứt điểm tình trạng hồ sơ quá hạn; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC.
Bốn là, tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế, rà soát và đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở, UBND các huyện, thành phố, thị xã. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện bản mô tả công việc và khung năng lực cho từng vị trí việc làm tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.
Năm là, thực hiện quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo đúng vị trí việc làm đã được phê duyệt. Các cơ quan, địa phương có phòng chuyên môn có cơ cấu cán bộ, công chức, viêc chức không hợp lý (số lãnh đạo cấp phòng nhiều hơn số công chức, viên chức làm việc trực tiếp) xây dựng phương án bố trí, sắp xếp đảm bảo đúng quy định. Tăng cường phân cấp quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiến nghị, xử lý phát hiện sau kiểm tra về các lĩnh vực được phân cấp quản lý.
Sáu là, tăng cường thực hiện giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền. Tổ chức xử lý triệt để các kiến nghị của Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước về tài chính, ngân sách. Tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý ngân sách nhà nước theo phân cấp bảo đảm các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện đúng quy định về phân phối kết quả tài chính hoặc sử dụng kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên trong năm.
Bảy là, mở rộng, nâng cao chất lượng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và qua dịch vụ Bưu chính công ích. Tiếp tục triển khai đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đối với các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện cấp xã (chuyển đổi phiên bản ISO 9001:2008 sang ISO 9001:2015)./.
Ý kiến bạn đọc