Ngày 20/6/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Báo cáo số 99/BC-UBND về công tác cải cách hành chính tỉnh Bình Định 6 tháng đầu năm 2023. Báo cáo phân tích rõ các kết quả được triển khai thực hiện trên 6 lĩnh vực của công tác cải cách hành chính. Một số kết quả nổi bật của từng lĩnh vực cụ thể:
1. Cải cách thể chế
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trên cơ sở Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 28/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo xác định lĩnh vực trọng tâm, liên ngành theo dõi thi hành pháp luật năm 2023, trong đó xác định lĩnh vực trọng tâm cần theo dõi trong năm 2023. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các kế hoạch thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đồng thời, thực hiện công tác kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Trong kỳ, tỉnh Bình Định đã ban hành 94 VBQPPL của HĐND, UBND; trong đó, HĐND, UBND tỉnh ban hành 60 VBQPPL (18 nghị quyết, 42 quyết định); HĐND, UBND cấp huyện ban hành 34 VBQPPL (10 nghị quyết, 24 quyết định); HĐND, UBND cấp xã không ban hành VBQPPL.
2. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 35 Quyết định công bố Danh mục 353 TTHC (ban hành mới 25 TTHC; sửa đổi, bổ sung 290 TTHC; thay thế 02 TTHC; bãi bỏ 36 TTHC), 36 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết 59 TTHC liên thông và 69 TTHC không liên thông; đồng thời, thực hiện việc tích hợp dữ liệu và nhập sửa đổi, bổ sung thông tin các TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã thông qua phương án đơn giản hóa 18 TTHC, số tiền tiết kiệm được sau khi đơn giản hóa đạt hơn 8 tỷ đồng/năm, tỷ lệ chi phí tiết kiệm được từ 3,89% đến 54%. Kết quả từ ngày 15/12/2022 đến hết ngày 14/6/2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận 252.642 hồ sơ, giải quyết và trả kết quả hồ sơ (trong đó, 244.899 hồ sơ trả trước và đúng hạn là 116.493, trễ hạn là 241 hồ sơ), đang giải quyết 7.498 hồ sơ. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trước hạn, đúng hạn của toàn tỉnh đạt 99,90% tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.
3. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành mới quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 05 cơ quan, đơn vị; đến nay đã có 19/20 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh ban hành mới quy định chức năng nhiệm vụ. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về việc quản lý, sử dụng biên chế của tỉnh giai đoạn 2022 – 2026, mục tiêu tổng quát giai đoạn 2022 - 2026. Theo đó, tổng số biên chế công chức của các tổ chức hành chính nhà nước đến hết năm 2026 là 2.095 biên chế, giảm 110 biên chế (tỷ lệ 5%), tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập đến hết năm 2026 là 24.318 người, giảm 2.702 người (tỷ lệ 10%). Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định giao biên chế công chức và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh năm 2023, cụ thể: tổng số biên chế công chức trong các cơ quan hành chính là 2.187 biên chế (giảm 18 biên chế so với năm 2022); tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 25.938 người (giảm 541 người so với năm 2022).
4. Cải cách chế độ công vụ
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành và chỉ đạo triển khai Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2023; Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2023 - 2025, đến nay đã tổ chức 02 lớp, với 158 học viên; Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã đáp ứng yêu cầu thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số giai đoạn 2023 - 2025. Kết quả, đã tổ chức 24 lớp đào tạo, bồi dưỡng trong 03 đợt (mỗi đợt có 08 lớp) cho 1.702/1.737 cán bộ, công chức cấp xã (đạt 97,98% trong tổng số cán bộ, công chức được triệu tập). Tính đến ngày 14/6/2023, đã có 39/39 cơ quan, đơn vị, địa phương (28/28 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; 11/11 UBND cấp huyện) ban hành kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức, với 258 vị trí công tác trong năm 2023; đã có 116 cán bộ, công chức, viên chức, 16 cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chuyển đổi vị trí công tác.
5. Về cải cách tài chính công
Tổng thu ngân sách nhà nước phát sinh trên địa bàn (chưa kể thu vay, huy động đóng góp, thu bổ sung từ ngân sách Trung ương) thực hiện 3.824.407 triệu đồng, đạt 28% so với dự toán, bằng 60,7% so cùng kỳ năm 2022. Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 7.241.783 triệu đồng, đạt 38,7% so với dự toán, bằng 97,6% so với cùng kỳ. Tính đến thời điểm báo cáo, có tổng cộng 110/134 đơn vị khối tỉnh được giao quyền tự chủ về tài chính theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
6. Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành và triển khai Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Bình Định đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Chỉ thị phát động phong trào thi đua thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2023-2025; Quyết định ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Bình Định. Các sở, ngành, địa phương đã kịp thời các kế hoạch của tỉnh, cơ bản đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt kết quả khả quan.
Chi tiết Báo cáo xem tại đây...
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thanh Trà - P.CCHC&VTLT
Ý kiến bạn đọc