Tham dự Hội nghị tại đầu cầu tỉnh Bình Định có các đồng chí: Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh; Lê Minh Tuấn – Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2022 đã được công bố tại Hội nghị. Năm 2022 là năm đầu tiên có thay đổi lớn về nội dung, phương pháp đo lường sự hài lòng. Nội dung đo lường sự hài lòng của người dân năm 2022 tập trung trên 02 khía cạnh, gồm việc xây dựng, tổ chức thực hiện các nhóm chính sách quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân và việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung. Có 08 nhóm chính sách được lựa chọn bao gồm: Chính sách phát triển kinh tế; chính sách khám, chữa bệnh; chính sách giáo dục phổ thông; chính sách trật tự, an toàn xã hội; chính sách giao thông đường bộ; chính sách điện sinh hoạt; chính sách nước sinh hoạt; chính sách an sinh, xã hội. Đối tượng khảo sát thu thập thông tin đo lường sự hài lòng năm 2022 là người dân (đủ 18 tuổi trở lên), được lựa chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng để đảm bảo tính đại diện, khách quan. Công thức tính toán chỉ số năm 2022 thay đổi cách tính đối với các chỉ số hài lòng thành phần so với năm 2021.
Theo kết quả công bố, SIPAS Bình Định năm 2022 đạt 81.78%, xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2021 (đạt 87.67%, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố). Các kết quả của từng yếu tố như sau:
+ Nhóm tiêu chí về việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách quan trọng đối với đời sống của người dân gồm: Trách nhiệm giải trình của cơ quan 80.24%; Cơ hội tham gia của người dân vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách 74.09%; Chất lượng chính sách 82.27%; Kết quả, tác động của chính sách 83.73%
+ Nhóm tiêu chí về việc cung ứng dịch vụ hành chính công gồm: Tiếp cận dịch vụ 87.88%; Thủ tục hành chính 87.10%; Công chức trực tiếp giải quyết công việc 78.93%; Kết quả dịch vụ 85.84%; Cơ quan nhà nước tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân 77.71%.
Trong những năm qua, Chỉ số hài lòng của người dân đã mang lại những kết quả, tác động tích cực đối với cả cơ quan hành chính nhà nước và người dân. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang dần thay đổi nhận thức, tư duy, hành động theo hướng quan tâm, vì lợi ích, vì sự hài lòng của người dân và đáp ứng nhu cầu, mong đợi của người dân. Người dân, xã hội đang dần quan tâm, ủng hộ, giám sát, phản hồi ý kiến tích cực hơn đối với các cơ quan hành chính nhà nước để cùng xây dựng một nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, mang lại sự hài lòng cho người dân.
Chỉ số hài lòng của người dân năm 2022, với một bộ gồm nhiều chỉ số và thông tin đa dạng, tiếp tục mang đến bức tranh toàn diện hơn về chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân, để từ đó giúp cơ quan hành chính nhà nước xây dựng, thực hiện các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn trong công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, nâng cao sự hài lòng của người dân./.
Nguồn: Báo cáo của Bộ Nội vụ
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thanh Trà - P.CCHC-VTLT
Ý kiến bạn đọc