Chính sách đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng là một trong những chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta nói chung và của tỉnh Nghĩa Bình nói riêng. Trong lá thư đầu tiên chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhân dịp 27/7/1947, Người nhấn mạnh: “ Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn cho đất nước chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hi sinh gia đình, hi sinh xương máu để bảo vệ Tổ Quốc, Bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những con người anh dũng ấy”. Phát huy truyền thống “Uống nước nhờ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, ngày 14/3/1976 Thường vụ Tỉnh ủy Nghĩa Bình đã ra Chỉ thị 17/VP về việc “ Tăng cường công tác thương binh và xã hội trong tình hình mới”. Nội dung của Chỉ thị đã nêu tính nhân văn đối với công tác thương binh và xã hội trong tình hình mới, qua đó đề ra một số công tác cần được giải quyết trước mắt như công tác thương binh liệt sỹ, công tác hưu trí mất sức và an toàn xã hội, xây dựng và cũng cố ngành thương binh và xã hội. Đặc biệt, trong Chỉ thị này đã đưa ra việc cũng cố ngành thương binh và xã hội từ tỉnh đến xã, thôn từng bước cải thiện đời sống của thương binh, bệnh binh và người có công trên địa bàn tỉnh.
Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2021), xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị (tài liệu hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định thuộc Phông lưu trữ UBND tỉnh Nghĩa Bình, ĐVBQ số 96).
Văn bản trích như sau:
T.V.T.U.T CHỈ - THỊ
Nghĩa - Bình “ Tăng cường công tác thương binh
Số 17/VP và xã hội trong tình hình mới”
Công cuộc đấu tranh cách mạng để giải phóng đất nước ta đã hoàn toàn thắng lợi. Trong suốt 45 năm đấu tranh anh dũng ngoan cường, quân dân tỉnh ta cùng với cả nước đã chịu đựng muôn vàn gian khổ hy sinh. Hàng trăm nghìn đồng chí, hàng chục vạn chiến sỹ và đồng bào đã oanh liệt hy sinh trọn cuộc đời mình, hoặc một phần xương máu của mình cho sự nghiệp cách mạng. Mặt khác chiến tranh do bọn Đế quốc Mỹ gây ra và hậu quả chính sách thâm độc của chủ nghĩa thực dân củ và mới đã để lại trên đất nước ta và tỉnh ta nói riêng nhiều vấn đề xã hội. Hàng nghìn người bị tàn tật, hàng vạn trẻ em mồ côi, hàng trăm người bị xô đẩy vào cuộc sống sa đọa và bệnh tật và biết bao làng mạc, gia đình, ruộng nương bị tàn phá…
Do tính chất quy mô của chiến tranh và nhất là đặc điểm của tình hình trong 2 cuộc kháng chiến và cả chặng đường cách mạng gần nửa thế kỹ, nên công tác thương binh và xã hội vừa lớn vừa phức tạp, nặng nề, phải được giải quyết cấp bách, chu đáo, toàn diện một cách cơ bản và lâu dài, giải quyết cả nhữg công việc từ ngày đầu cách mạng. Vì vậy, không thể cho phép đặt nhẹ và rất cần được các cấp ủy Đảng và chính quyền đặc biệt quan tâm. Phải coi đó là một nhiệm vụ cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân, một vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm sâu sắc, một vấn đề xã hội rộng lớn, đòi hỏi phải làm thật tốt để thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của xã hội ta, đồng thời đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của các đối tượng và quần chúng.
Quán triệt ý nghĩa và đặc điểm tình hình trên, các Huyện ủy, thị ủy, Ty thương binh và xã hội cần có kế hoạch chỉ đạo thực hiện tốt, có sự tham gia chặt chẽ các ngành, giới nhằm đạt các yêu cầu và công tác thương binh và xã hội trong tình hình mới sau đây:
Yêu cầu phải:
---------------------------
- Thể hiện sâu sắc sự đền ơn trả nghĩa của Đảng và nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình bộ đội, gia đình có công với cách mạng sau chiến thắng lớn của dân tộc, bảo đảm cho anh chị em và gia đình có đời sống dần dần được cải thiện, bồi dưỡng và sử dụng anh chị em và gia đình thành lực lượng nòng cốt, góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước.
- Quan tâm chăm sóc người về hưu và nghĩ việc vì mất sức lao động, giúp anh chị em bớt khó khăn trong đời sống, phát huy phẩm chất cách mạng, tích cực xây dựng địa phương.
- Thể hiện lòng nhân ái, tính nhân đạo, chế độ tốt đẹp của ta, tích cực giúp đở những người vì địch họa, thiên tai, già yếu, tàn tật đang gặp khó khăn trong cuộc sống, những người vì lỡ lầm, sa đọa, bệnh tật do hậu quả chiến tranh và chế độ của để lại, giúp họ có nhu cầu tối thiểu để ổn định đời sống, làm nghĩa vụ công dân, trở thành người có ích cho xã hội.
- Điều cơ bản và then chốt nhất là chăm lo phục hồi sức khỏe, săn sóc đời sống, sắp xếp việc làm, tổ chức lao động sản xuất cho các đối tượng và bồi dưỡng tinh thần cách mạng làm cho ai nấy đều có đời sống ổn định và từng bước được cải thiện, tùy theo sức mình hăng hái tham gia xây dựng đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.
Một số công tác trước mắt cần được giải quyết:
a. công tác thương binh, liệt sỹ:
- Tiếp tục công tác điều tra cơ bản để một thời gian nhất định căn bản hoàn thành việc xác nhận liệt sỹ, quân nhân từ trần, hoặc mất tích (cả cơ quan, đơn vị và địa fương). Kịp thời báo tử và an ủi động viên gia đình người đã khuất.
- Phát hiện, tu sửa, lập sơ đồ, giữ gìn và dần dần quy tập các phần mộ liệt sỹ, (cơ quan quản lý cùng với địa phương giải quyết tốt). Tu sửa nghĩa trang liệt sỹ đã có, nơi chưa xây dựng thì có kế hoạch xây từng bước vững chắc, đảm bảo trang nghiêm đúng quy định và theo quy hoạch chung của địa phương.
- Giải quyết chu đáo quyền lợi của giai đình liệt sỹ theo chính sách quy định và đã ban hành, giúp đỡ các gia đình khắc phục khó khăn trong đời sống, nhất là đối với những gia đình đang khó khăn có nhiều cống hiến cho Tổ quốc, những cha mẹ liệt sỹ già yếu, cô đơn, trước mắt tranh thủ giải quyết xong việc trợ cấp làm nhà cho gia đình liệt sỹ chưa có nhà ở, vận động quần chúng giúp đỡ công ăn việc làm, ưu tiên trong việc giải quyết chính sách ruộng đất ở nông thôn… Chăm sóc giáo giáo dục tốt con liệt sỹ, con thương binh, nhất là con liệt sỹ không nơi nương tựa.
- Tổ chức hội đồng giám định y khoa tiến hành khám thương tật có hoàn thành việc xếp hạng thương tật, xác nhận thương binh, bệnh binh làm cơ sở cho việc thực hiện chính sách đối với anh chị em. Chú ý chăm sóc cho những anh chị em thương bệnh binh nặng cần phải được điều dưỡng lâu dài. Đồng thời nhanh chóng sắp xếp công việc, bồi dưỡng đào tạo ngành nghề cho thương binh đã phục hồi sức khỏe. Các trường đào tạo văn hóa và ngành nghề của các cấp, các ty, ngành cần có tiêu chuẩn, tỷ lệ ưu tiên giành cho thương binh vào học, kể cả việc tuyển chọn vào các cơ quan hành chánh và sự nghiệp. Số về địa phương phải giúp đở công việc, ưu tiên chia cấp ruộng đất.v.v…
- Tiếp tục giải quyết tốt việc khen thưởng cho gia đình liệt sỹ, thương binh, quân nhân, gia đình có công với cách mạng theo chính sách quy định.
- Một mặt coi trọng và đánh giá cao sự đóng góp của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ… Mặt khác động viên anh chị em và gia đình thấy rỏ trách nhiệm hiện nay, ra sức phấn đấu và phát huy vinh dự cao quý của người chiến sỹ cách mạng và của những gia đình cách mạng.
b) Công tác hưu trí mất sức và an toàn xã hội:
Trước mắt nhanh chóng tiến hành việc đăng ký, giải quyết thủ tục, đề nghị Trung ương chuyển kinh phí để cấp lương hưu và mất sức cho cán bộ miền Bắc về. Giáo dục vận động số hưu trí nên về quê góp sức cùng địa phương xây dựng quê hương xứ sở hạn chế ở thành phố, thị xã, thị trấn. Đồng thời chuẩn bị làm thủ tục để giải quyết chế độ cho số cán bộ công tác miền Nam lâu ngày nay vì già yếu, mất sức không còn khả năng tiếp tục công tác được nữa.
Về công tác an toàn xã hội: có biện pháp tích cực giải quyết giúp đỡ những trẻ mồ côi, những người già cả tàn tật – không nơi nương tựa sớm được ổn định đời sống. Có kế hoạch giải quyết công ăn việc làm để hạn chế và đi đến chấm dứt những tình trạng còn người đi lang thang xin xỏ ở Thị xã, thị trấn. Giúp đỡ các trại nuôi trẻ mồ côi dần dần có sự giáo dục quản lý chặt chẽ của ta. Cải tạo giúp đở những người bị Mỹ ngụy đẩy vào cuộc sống lỗi lẫm, sa đọa (thanh thiếu niên hư hỏng, những người làm nghề mãi dâm .v.v…) trở lại cuộc đời làm ăn lương thiện. Giúp đỡ thương phế binh ngụy phương tiện làm ăn sinh sống.
c) Xây dựng và củng cố ngành thương binh và xã hội:
Các cấp ủy và chính quyền địa phương cần bố trí đủ cán bộ cần thiết để làm công tác thương binh và xã hội nhất là ở cấp huyện và xã. Phải chọn cán bộ có phẩm chất tốt, có nhiệt tình với công tác nầy, có khả năng chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách.
Các phòng, ban của Ty thương binh và xã hội phải kiện toàn đủ số cán bộ cần thiết có chất lượng tốt.
- Nhanh chóng tổ chức phòng thương binh và xã hội huyện trước mắt có từ 4 đến 6 người (huyện miền núi có thể có 4, huyện trung bình có 4 hoặc 5, huyện lớn 6) phải phân công đồng chí Huyện ủy viên, hoặc Ủy viên Ủy ban trực tiếp làm trưởng phòng.
- Ở xã thành lập ban thương binh và xã hội có từ 4 đến 5 người đồng chí phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng xã làm trưởng ban, 1 phó ban chuyên trách, một phó ban là phó chỉ huy xã đội, các ủy viên là đại diện các đoàn thể. Ở mỗi thôn có 1 người.
Có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ về chính trị, chuyên môn có hệ thống, nề nếp, nhưng trước mắt cần tổ chức các lớp huấn luyện ngắn ngày, hoặc hội nghị học tập để bồi dưỡng cho cán bộ quán triệt yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ và biết làm những công việc cụ thể về thương binh và xã hội. Đảm bảo trong một thời gian ngắn bộ máy tương đối hòan chỉnh từ trên xuống dưới hoạt động được công tác.
Ngoài ra các cơ quan thông tin, báo chí, ban chỉ huy tỉnh đội, các đoàn thể quần chúng và các ty, ngành cần phối hợp hoạt động để động viên phong trào quần chúng thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, quân nhân phục viên đảm bảo đạt được các yêu cầu đã đề ra.
Trước tình hình mới nhiều công tác quan trọng và cấp bách được đặt ra, trong đó có công tác thương binh và xã hội phải được quan tâm khẩn trương giải quyết chu đáo chặt chẽ để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ ta trong tình hình mới.
Các Huyện ủy, Thị ủy, các ty, ngành cần quán triệt đầy đủ, theo phạm vị chức trách của mình mà tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt chỉ thị nầy./.
Ngày 14 tháng 3 năm 1976
T/M THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY TỈNH
NGHĨA BÌNH
Võ Hanh
( đã kí )