1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, tiết kiệm là
“không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là
“xem đồng tiền to bằng cái nống”, “gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu”. Theo Người, tất cả mọi người đều phải tiết kiệm. Hồ Chí Minh đã chỉ ra 3 nội dung cơ bản của việc tiết kiệm, đó là: Tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời giờ và tiết kiệm tiền của. Theo Người, mục đích của việc tiết kiệm để phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc, để tăng thêm tiền vốn xây dựng đất nước. Điều này càng quan trọng hơn khi nước ta là nước dân chủ nhân dân, không thể tích lũy vốn bằng cách cướp bóc thuộc địa, bóc lột công nhân, nông dân, vay nợ nước ngoài…
Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều lời kêu gọi tinh thần tiết kiệm của mọi ngành, mọi cấp và được toàn thể cán bộ, nhân dân tích cực ủng hộ và làm theo. Bản thân Người luôn gương mẫu trong việc thực hành tiết kiệm. Người tiết kiệm tất cả mọi thứ, từ cái nhỏ như tờ giấy bởi:
“Giấy bút, vật liệu, đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai ba lần”. Trong sinh hoạt thường ngày, Người ăn mặc rất giản dị, nơi ở cũng đơn sơ, Người quan niệm:
"tiết kiệm từ những việc nhỏ thì sẽ thành được điều to tát, nhờ tiết kiệm “mà lợi cho dân rất nhiều”.
Đi đôi với thực hành tiết kiệm là chống lãng phí, xa xỉ. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích:
“Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối”. Lãng phí được Người chỉ rõ, là tiêu dùng bừa bãi; lãng phí tập trung vào 3 loại: lãng phí lao động, lãng phí thời gian, lãng phí tiền của của nhân dân, đất nước. Người chỉ rõ tác hại của nạn lãng phí:
“Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến…”. Người nhiều lần nhấn mạnh: tham ô, lãng phí và quan liêu là một thứ “giặc nội xâm”, là kẻ thù của đạo đức cách mạng, của xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt của chúng ta. Lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của nhân dân, mà nguy hiểm hơn, từ hoang phí xa xỉ sẽ dẫn đến tham ô, nhũng nhiễu, mất tư cách, đạo đức của người cán bộ, đảng viên, gây mất lòng tin trong nhân dân, từ đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Sinh thời Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức mới của con người Việt Nam. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có sắc thái riêng biệt. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh có tư tưởng về tiết kiệm, có giá trị khoa học và nhân văn to lớn. Giá trị đó thể hiện rõ nét ở sự giải thích mới của Người về vai trò, nội dung của tiết kiệm, về đối tượng và giải pháp thực hành tiết kiệm. Trong bối cảnh sự lãng phí hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm càng trở nên giá trị thiết thực và mang tính thời sự.
2. Thực tiễn tại đơn vị
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, Lãnh đạo Sở, Lãnh đạo Trung tâm về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhằm mục đích nâng cao ý thức, trách nhiệm của đảng viên, quần chúng trong chi bộ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thời gian qua, chi bộ đã quán triệt đầy đủ, kịp thời các nội dung quy định, hướng dẫn của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến toàn thể đảng viên, quần chúng của các phòng chuyên môn để thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Nghị quyết số 04 ngày 21/8/2006 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X
“Về tăng cường sự Lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; Quyết định số 2276/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí năm 2021…
Ngoài việc triển khai các văn bản quy định, chi bộ đã lồng ghép kiểm tra, giám sát hàng năm, qua công tác theo dõi nhận thấy các đảng viên đã thực hiện tốt các nội dung này bằng những việc làm thiết thực, cụ thể theo Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị như: Việc sử dụng điện, nước, sử dụng điện thoại hợp lý, tiết kiệm; tăng cường ứng dụng CNTT; hạn chế đề xuất mua các loại vật dụng rẻ tiền, mau hỏng; chủ động xử lý giải quyết công việc theo tiến độ, soạn thảo và trình duyệt văn bản qua hệ thống i-Desk tiết kiệm được thời gian cũng như giấy mực cho đơn vị, mang lại hiệu quả cao hơn.
Việc bố trí, luân chuyển, đề bạt và sử dụng cán bộ phải dựa trên năng lực, sở trường và tính hợp lý của tính chất công việc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới cũng như mục đích yêu cầu của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính vì thế trong thời gian qua, không có đảng viên, quần chúng nào vi phạm phải xem xét xử lý kỷ luật. Trên cơ sở đó để đóng góp một phần nhỏ tiết kiệm kinh phí, chi tiêu ngân sách nhà nước, từ đó nhằm đầu tư, tái tạo, sửa chữa, mua sắm các tài sản khác để phục vụ công tác cho đơn vị và nâng cao chất lượng hiệu quả trong hoạt động. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại Trung tâm, việc thực hiện
“thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” trong hoạt động chuyên môn chưa thực sự thật tốt, đó là: Vẫn còn tình trạng chưa sắp xếp, bố trí công việc hợp lý, khoa học; chưa tận dụng hết khoảng thời gian trong giờ làm việc để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; Kết quả giải quyết công việc chưa thực sự chưa chủ động, đạt kết quả chưa cao…
Trước đây, đơn vị được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính (Quyết định số 2499/QĐ-CTUBND ngày 01/11/2011 của UBND tỉnh Bình Định). Đối với kinh phí sự nghiệp thì đơn vị thực hiện cơ chế không giao quyền tự chủ tài chính. Ngày 11/3/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 819/QĐ-UBND về việc về việc thành lập Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh trực thuộc Sở Nội vụ trên cơ sở tổ chức lại Chi cục Văn thư – Lưu trữ sau khi chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác văn thư, lưu trữ về phòng chuyên môn thuộc Sở Nội vụ; Trung tâm là đơn vị sự nghiệp được UBND tỉnh giao quyền tự chủ tài chính tại Quyết định số 3614/QĐ-UBND giai đoạn 2020-2022 là đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
3. Giải pháp thực hiện
-
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn với việc thực hiện
“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Xác định công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và đánh giá thực hiện.
- Thứ hai, toàn thể đảng viên và quần chúng trong Chi bộ phải luôn thấm nhuần lời Bác Hồ dạy về nêu cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, luôn là lực lượng đi tiên phong trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ động tham mưu, đề xuất các nội dung công việc được phân công phụ trách có hiệu quả; đề cao tinh thần, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của đơn vị đúng mục đích.
- Thứ ba, bằng những việc làm, hành động cụ thể, thường xuyên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và điều kiện thực tế của đơn vị, đảng viên và quần chúng trong Chi bộ nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với từng lĩnh vực công tác được phân công phụ trách. Đổi mới phương pháp lề lối, tác phong làm việc, hội họp gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng công việc; sử dụng tối đa thời gian vào việc có ích. Luôn gương mẫu, tích cực tu dưỡng đạo đức, rèn luyện sức khỏe, có lối sống lành mạnh, không vướng vào tệ nạn xã hội… Tăng cường ứng dụng CNTT trong trao đổi, lưu trữ văn bản, tài liệu, thông tin liên lạc, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước trên tinh thần tiết kiệm, chi đúng mục đích. Chủ động tiết kiệm chi phí trong tổ chức hoạt động, thực hiện phương châm tổ chức hoạt động theo hướng tận dụng tối đa các nguồn lực, không xa hoa, lãng phí nhưng vẫn đạt hiệu quả.
-
Thứ tư, đảng viên và quần chúng tiếp tục rà soát các Quy chế, quy định của Ngành, của đơn vị có liên quan đến công tác của đơn vị để kịp thời tham mưu với Lãnh đạo sửa đổi, bổ sung, nhằm đảm bảo thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí một cách có hiệu quả nhất.
- Thứ năm, bám sát Nội quy, Quy chế để thực hiện các khoản thu, chi NSNN và hoạt động dịch vụ theo đúng quy định; tiết kiệm các khoản chi không cần thiết, thực hiện quản lý có hiệu quả các dịch vụ để tăng thêm thu nhập cho đảng viên và quần chúng. Sử dụng hiệu quả kinh phí chi thường xuyên theo dự toán đã được phê duyệt, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch công tác trọng tâm hàng năm của đơn vị.
-
Thứ sáu, toàn thể đảng viên, quần chúng trong Chi bộ quyết tâm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện công việc được giao. Cấp ủy Chi bộ, Lãnh đạo Trung tâm, Lãnh đạo phòng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở đảng viên và quần chúng để thực hiện nghiêm túc việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.