Kế hoạch Cải cách hành chính tỉnh Bình Định năm 2023

Thứ năm - 19/01/2023 10:18 540 0
Nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính; đổi mới tư duy và hành động sáng tạo trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, bám sát mục tiêu, hoàn thành các chỉ tiêu theo Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 14 tháng 5 năm 2021 của Tỉnh ủy.

Ngày 29/12/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4510/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023. Kế hoạch đã nêu rõ mục tiêu và 06 chỉ tiêu để thực hiện 07 nội dung cải cách hành chính, từ đó cụ thể hóa 27 nhiệm vụ. Mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể:
1. Mục tiêu
Tiếp tục xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Tổ chức bộ máy nhà nước cơ bản tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân cấp, ủy quyền hợp lý giữa chính quyền các cấp; chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, chuyên nghiệp, liêm chính, chí công, vô tư.
2. Chỉ tiêu cụ thể
- Kết quả đánh giá Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh (Par Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) năm 2023 tiếp tục cải thiện hơn so với kết quả đánh giá năm 2022.
- Đạt 100% văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và đảm bảo chất lượng theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản dưới luật hướng dẫn việc thực hiện.
- Đạt 100% thủ tục hành chính nội bộ được công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương; rà soát và phê duyệt phương án đơn giản hoá đối với ít nhất 10% thủ tục hành chính nội bộ. Chuyển giao 100% thủ tục hành chính (trừ các thủ tục hành chính giải quyết trong ngày) thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận; triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 100% Bộ phận Một cửa cấp huyện và 40% Bộ phận Một cửa cấp xã.
- Đưa vào vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; đạt tỷ lệ 100% cán bộ cơ quan chính quyền cấp xã có trình độ đại học, được chuẩn hoá về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác; đạt trên 90% công chức cấp xã có trình độ đại học (không bao gồm cán bộ, công chức làm việc tại các xã miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).
- Thực hiện sắp xếp, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, 100% đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo một phần chi thường xuyên có tỷ lệ tự chủ năm sau cao hơn năm trước. Trên 80% các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công được ban hành các quy định về danh mục dịch vụ sự nghiệp công lập, định mức kinh tế - kỹ thuật; tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công theo thông tư hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, phù hợp với tình tình hình thực tế của tỉnh.
- Xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hình thành Kho dữ liệu số dùng chung của tỉnh; 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh hoàn thành cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức, viên chức; 80% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch của Ủy ban nhân dân tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; 30% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Mỗi đơn vị cấp huyện xây dựng ít nhất 10% đơn vị hành chính cấp xã chuyển đổi số. Đạt 80% hồ sơ công việc tại cơ quan cấp tỉnh, 70% đối với cơ quan chuyên môn cấp huyện và 50% đối với Ủy ban nhân dân cấp xã được tạo lập dưới dạng điện tử (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thanh Trà - P.CCHC-VTLT

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây