Công tác tôn giáo có liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, các cấp, các ngành, các địa bàn. Làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo; do vậy muốn làm tốt công tác tôn giáo, điều quan trọng nhất là phải tập trung nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vấn đề tôn giáo; tổ chức quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo cho cán bộ, đảng viên, tạo sự thống nhất cao về nhận thức trong chỉ đạo thực hiện ở các cấp, các ngành, từ tỉnh đến cơ sở về công tác tôn giáo nói chung; đặc biệt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đóng vai trò vị trí quan trọng quyết định hiệu quả trong việc thực hiện chính sách và giải quyết vấn đề tôn giáo tại địa phương.
Bình Định là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, trải dài trên 110 km, với diện tích 6.025,6km2; có 08 huyện, 02 thị xã, 01 thành phố thuộc tỉnh (trong đó có 03 huyện miền núi: Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh); với 159 xã, phường, thị trấn. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Quy Nhơn nằm cách thủ đô Hà Nội 1.065km. Dân số toàn tỉnh khoảng 1.486.918 người, có 04 dân tộc: Kinh, Chăm, Bana, H’rê cùng chung sống.Hiện có 08 tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân và đang hoạt động hợp pháp như: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo, Minh Sư đạo, Tứ ân Hiếu nghĩa và Baha’i. Đại bộ phận chức sắc, tu sĩ, tín đồ các tôn giáo trong tỉnh là nhân dân lao động, có truyền thống yêu nước, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Riêng đạo Cao Đài ở Bình Định có 05 hệ phái: Cầu Kho Tam Quan, Chơn lý, Truyền giáo, Ban Chỉnh đạo và Tây Ninh; có 387 chức sắc, 434 chức việc, 09 nhà tu hành, 54 cơ sở thờ tự, 32 họ đạo và khoảng 16.259 tín đồ. Hệ phái Cao Đài Cầu Kho Tam Quan có Hội thánh Trung ương đặt tại thị trấn Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn. Đa số chức sắc, chức việc và tín đồ đạo Cao Đài chấp hành pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phấn khởi trước sự đổi mới của đất nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước:Xây dựng nông thôn mới; thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư, hưởng ứng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện quyên góp giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị thiên tai, bão lụt trong khả năng cho phép của mình; thực hiện sống tốt đời đẹp đạo với phương châm “Nước vinh, Đạo sáng”… đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để đảm bảo việc Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan tổ chức Đại hội Đại biểu Nhơn sanh toàn phái nhiệm kỳ V (2020-2025) được diễn ra trang trọng và an toàn vào 02 ngày 08,09/10/2020 tại Tòa thánh Trung ương Cao Đài Cầu Kho, khu phố 2, phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tôn giáo Chính phủ, các cơ quan liên quan của tỉnh và chính quyền địa phương hướng dẫn cho Hội thánh tổ chức thành công Đại hội theo đúng Hiến chương của Giáo hội và quy định của Nhà nước, cụ thể:
Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Bình Định đã làm tốt công tác phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố cho phép 15 Họ đạo Cao Đài Cầu Kho Tam Quan tại Bình Định tổ chức Đại hội Nhơn sanh cấp cơ sở (trong thời gian từ tháng 6/2019 đến 10/2019) và chọn cử Đại biểu tham dự Đại hội Nhơn sanh toàn phái; xem xét, bổ nhiệm cho 88 nhân sự Ban Cai quản các Họ đạo Cao Đài Cầu Kho trong tỉnh nhiệm kỳ (2020-2025); xác nhận Thông báo phong phẩm 33 trường hợp (trong đó: Giáo sư 06; Giáo hữu 02 và Lễ sanh 25). Đặc biệt, UBND thị xã Hoài Nhơn (nơi Hội thánh tổ chức Đại hội) chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện và chính quyền địa phương có kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng liên quan của tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý đối với các hoạt động của Đại hội.
Trước Đại hội, Ban Tôn giáo Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo, cùng với Ban Tôn giáo tỉnh làm việc trực tiếp với Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan thống nhất các nội dung thông qua Đại hội; sửa đổi, bổ sung Hiến chương của Hội thánh; lựa chọn các chức sắc đạo Cao Đài tiêu biểu, có uy tín trong Giáo hội tham gia vào Thượng Hội, Hội đồng Chưởng quản Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan nhiệm kỳ (2020-2025) …
Cũng trong dịp này, UBND tỉnh đã quan tâm hỗ trợ kinh phí cho Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan tổ chức Đại hội và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan của tỉnh thực hiện một số công tác tôn giáo trước, trong và sau Đại hội như: Giao Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) thăm, động viên nhắc nhở chức sắc, chức việc các họ đạo trong tỉnh tham dự Đại hội đúng theo hướng dẫn của Hội thánh và pháp luật của Nhà nước; vận động chức sắc, chức việc và nhơn sanh đồng thuận việc góp ý, hướng dẫn của Ban Tôn giáo Chính phủ, các ngành chức năng liên quan của tỉnh và chính quyền địa phương đối với các nội dung thông qua Đại hội.
Đồng thời, UBMTTQVN tỉnh trao tặng Bằng khen cho Chánh Phối sư La Văn Soi đã có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước năm 2020 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định phát động; vận động chức sắc, chức việc và nhơn sanh thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cháy nổ và an ninh trật tự trong quá trình tổ chức Đại hội.
Bên cạnh đó, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) cùng phối hợp với Công an tỉnh có kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương trong quá trình tổ chức Đại hội; Đài Phát thanh, Truyền hình và Báo Bình Định đưa tin về các hoạt động diễn ra tại Đại hội, viết bài tuyên truyền biểu dương gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến của đồng bào đạo Cao Đài đã có nhiều đóng góp và tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương, tôi xin nêu ra một số giải pháp chủ yếu sau:
- Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, Hội – đoàn thể chính trị - xã hội cần tăng cường công tác phối hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào đạo Cao Đài nắm, hiểu được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tạo niềm tin cho đồng bào đạo Cao Đài yên tâm tu hành, làm tròn bổn phận công dân. Phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi của các phần tử xấu lợi dụng chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước để xuyên tạc, lôi kéo, kích động gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
- Hai là, trong công tác phối hợp, phải có sự phân công chặt chẽ giữa các ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong triển khai thực hiện theo đúng sự chỉ đạo chung của Ban Tôn giáo Chính phủ và UBND tỉnh đối với các hoạt động của đạo Cao Đài diễn ra trên địa bàn tỉnh.
- Ba là, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh và chính quyền địa phương để xem xét, giải quyết kịp thời các nhu cầu chính đáng của tổ chức và chức sắc đạo Cao Đài để tạo sự đồng thuận trong việc chấp hành chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Nhờ làm tốt công tác phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ và sự tổ chức triển khai đồng bộ, chặt chẽ giữa Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) với các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tạo điều kiện cho Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Nhơn sanh toàn phái theo đúng quy định của nhà nước./.
Ý kiến bạn đọc