1. Về tình hình tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh đang bảo quản tại Trung tâm
Tài liệu lưu trữ là di sản văn hóa của dân tộc, là tài sản đặc biệt của Quốc gia, tài liệu lưu trữ chứa đựng những thông tin phong phú, có độ tin cậy cao, phản ánh một cách toàn diện, trung thực mọi mặt của đời sống xã hội, có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm và có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý tài liệu và công tác tổ chức phát huy hiệu quả giá trị tài liệu trong việc tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ các cơ quan, tổ chức, công dân để tra cứu, sử dụng trên các lĩnh vực về khoa học, lịch sử, học tập… đáp ứng được mọi yêu cầu của công chúng, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh.
Hiện Trung tâm đang bảo quản 166 Phông lưu trữ, với hơn 2.400 mét giá tài liệu của 378 cơ quan, tổ chức, địa phương thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử tỉnh, được thể hiện trên các vật mang tin khác nhau như: giấy, phim ảnh, băng từ,… chứa đựng nhiều nội dung phong phú, phản ánh về đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh từ thế kỷ XIX đến nay. Đây là khối tài liệu lớn có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và của tỉnh nhà nói riêng. Do vậy, công tác phát huy giá trị tài liệu lưu trữ của tỉnh có ý nghĩa quan trọng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của công chúng về sự hình thành và phát triển tỉnh Bình Định qua các thời kỳ lịch sử; đồng thời, giáo dục truyền thống, lịch sử của dân tộc và của tỉnh Bình Định trong việc bảo tồn các giá trị di sản của địa phương, góp phần phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách hành chính của tỉnh nhà.
2. Những kết quả đạt được trong công tác khai thác và sử dụng tài liệu Lưu trữ lịch sử tỉnh
Trong 03 năm qua, Trung tâm đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình về tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ như: Phục vụ trên 400 lượt độc giả sử dụng tài liệu tại Phòng đọc, với 1.083 hồ sơ, tài liệu đưa ra nghiên cứu; viết 65 tin và 09 bài công bố giới thiệu tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức trưng bày, triễn lãm tài liệu; cấp bản sao và chứng thực hơn 1.000.000 tài liệu lưu trữ; thực hiện trao trả hồ sơ, kỉ vật cán bộ đi B cho thân nhân 4.9434 hồ sơ, kỉ vật tại 11 huyện, thị xã, thành phố …Thông qua các hình thức trên, đã cung cấp cho các cơ quan, tổ chức và công dân về các nguồn tài liệu để nghiên cứu, tham khảo xây dựng đề tài, đề án, tra tìm các hồ sơ, tài liệu của các cá nhân liên quan đến các chế độ chính sách, giấy tờ về nhà , đất của hộ gia đình và các nhu cầu chính đáng khác của công dân.
Độc giả đến khai thác, sử dụng, nghiên cứu tài liệu
Đặc biệt, trong khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ, độc giả đến Trung tâm phần lớn là những lão thành cách mạng, những gia đình có công đóng góp giúp đỡ cách mạng và thân nhân của những người đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước để tra tìm những hồ sơ, tài liệu còn lưu giữ. Với tinh thần trách nhiệm phục vụ công chúng trong giải quyết công việc, viên chức Trung tâm luôn có thái độ lịch sự, ân cần, vui vẻ và hướng dẫn tận tình, chu đáo về các quy định của Nhà nước trong việc khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh, giúp cho tổ chức, công dân thực hiện đúng theo quy định. Đồng thời, thực hiện tốt ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tài liệu đáp ứng được yêu cầu của độc giả trong khai thác, tra tìm hồ sơ, tài liệu đảm bảo kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả; nhờ đó mà trong những năm qua Trung tâm luôn đem lại sự hài lòng cho tổ chức, công dân trong và ngoài tỉnh.
3. Một số giải pháp trong công tác phát huy hiệu quả giá trị tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh
Để thực hiện tốt công tác quản lý tài liệu lưu trữ và phát huy hiệu quả giá trị tài liệu lưu trữ lịch sử của tỉnh; Trung tâm đề ra một số giải pháp chủ yếu trong thời gian tới:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị của tài liệu lưu trữ lịch sử, thông qua các hình thức tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, Trang thông tin điện tử Sở, của đơn vị; đặc biệt là tổ chức trưng bày tài liệu, tư liệu tại Trung tâm và triển lãm thực tế ảo về tài liệu lưu trữ Bình Định qua các thời kỳ nhân các ngày lễ lớn của đất nước và các sự kiện trọng đại của tỉnh, để nâng cao nhận thức của toàn xã hội và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, địa phương về vai trò, ý nghĩa, giá trị của tài liệu lưu trữ; góp phần quan trọng vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
- Tăng cường công tác giáo dục viên chức, người lao động trong đơn vị tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; đề cao tính tiền phong, gương mẫu, nêu gương và đổi mới tác phong làm việc; thực hiện đạo đức,văn hóa công vụ tôn trọng và phục vụ nhân dân trong thực thi công vụ.
- Tăng cường và thực hiện tốt công tác tu bổ, bồi nền, phục chế tài liệu; chỉnh lý, nâng cấp tài liệu; ứng dụng công nghệ thông tin số hóa bảo hiểm tài liệu… nhằm phục vụ độc giả đến khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ tại Phòng đọc và dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
- Tăng cường công tác sưu tầm, thu thập tài liệu quý, hiếm về các tài liệu, tư liệu liên quan đến Bình Định tại các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh để góp phần bổ sung vào nguồn sử liệu của tỉnh nhà ngày càng phong phú./.
Tác giả bài viết: Lê Xuân Cẩm - TTLT
Ý kiến bạn đọc