Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá cuả Đảng và Nhân dân ta, soi sáng sự nghiệp cách mạng, dẫn dắt mỗi bước đi lên và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết, là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng việc “nêu gương” của cán bộ, đảng viên; xem đây là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng và là truyền thống quý báu của Đảng, xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin khi nói về công tác vận động quần chúng “Không chỉ bằng lời nói mà cả bằng việc làm và bằng nêu gương”.
Đảng viên, công chức là những người đóng vai trò chủ chốt trong hệ thống chính trị của đất nước, có trách nhiệm nêu gương trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Người đứng đầu và đảng viên phải là tấm gương sáng để quần chúng Nhân dân noi theo, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Về trách nhiệm nêu gương của đảng viên, công chức:
Nêu gương trong đạo đức, lối sống: Đảng viên, công chức cần sống trung thực, liêm khiết, giản dị, công bằng, giữ gìn phẩm chất cách mạng;
Nêu gương trong công việc: Luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, gương mẫu trong thực hiện quy chế, pháp luật, không ngại khó, ngại khổ, luôn sẵn sàng cống hiến cho tập thể;
Nêu gương trong học tập và tự rèn luyện: Luôn chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như tự rèn luyện phẩm chất đạo đức, không ngừng phấn đấu hoàn thiện bản thân.
Về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu:
Về tư tưởng chính trị, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị cần tự giác, gương mẫu, đi đầu trong quán triệt và bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng, đường lối đổi mới của Đảng. Kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của Nhà nước và Nhân dân.
Về đạo đức, lối sống, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghiêm quy định về những điều đảng viên không được làm. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự phân công, điều động của tổ chức. Đi đầu thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, các quy chế, quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị và địa phương nơi cư trú. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống vụ lợi, thực dụng, cơ hội, ích kỷ, lợi ích nhóm. Bản thân không tham nhũng và đi đầu trong phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Về tác phong sinh hoạt và công tác, tự giác nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị, tác phong sâu sát thực tế, gần gũi thấu hiểu tâm tư, giải quyết kịp thời nguyện vọng, lợi ích chính đáng của cấp dưới, Nhân dân. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà cho Nhân dân.
Người đứng đầu phải gương mẫu chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao ý thức trách nhiệm và tận tụy với công việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Luôn chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý có tình, không lạm dụng chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân, cục bộ. Hết lòng chăm lo xây dựng và tăng cường đoàn kết nội bộ, chăm lo sự tiến bộ của đồng chí, đồng đội. Là tấm gương tự phê bình và phê bình, cầu thị, tự giác, trung thực, tránh xa nịnh bợ của cấp dưới. Chủ động tự giác nghiêm túc nhận khuyết điểm và có kế hoạch sửa chữa. Không chạy theo thành tích, tranh công, đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm, khuyết điểm cho người khác, che giấu khuyết điểm. Trong phê bình không né tránh, “dĩ hòa vi quý”, phải chân thành, công tâm, có lý, có tình trên tinh thần thương yêu đồng chí, đồng đội. Thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, kiên quyết chống chia rẽ, bè phái, lợi dụng phê bình gây mất đoàn kết.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định, tiếp tục coi trọng và đặt lên cao hơn trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; trở thành một trong những vấn đề căn cốt, mang tính cấp thiết đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn công tác xây dựng Đảng ta hiện nay.
Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ “Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, sự gương mẫu, tinh thần vì nhân dân phục vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu các cấp” cho nên cần phải phát huy hơn nữa vai trò nêu gương của người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Đại hội nhấn mạnh đến tính nêu gương thực hành dân chủ của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đây vừa là nhiệm vụ, giải pháp, vừa là yêu cầu quan trọng, không thể thiếu đối với người cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hành dân chủ.
Người đứng đầu phải là người thực hành nêu gương đầu tiên, thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; trách nhiệm trong công tác; về tự phê bình và phê bình; giữ mối liên hệ mật thiết với quần chúng. Người đứng đầu phải nói đi đôi với làm trong thực hiện nêu gương.
Chi bộ Tổ chức, Biên chế hiện có 05 đảng viên đang sinh hoạt tại Chi bộ. Chi bộ đã triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới và một số quy định khác. Từ đó cho thấy sự quyết tâm và nhận thức của từng đảng viên trong Chi bộ đối với tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng của Bác, trong đó có trách nhiệm “nêu gương” của người cán bộ, đảng viên.
Việc quán triệt, tuyên truyền được Chi bộ triển khai thông qua các hình thức như: phổ biến tại các kỳ sinh hoạt chi bộ, chuyển tải văn bản qua hệ thống Văn phòng điện tử, thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề để tăng cường tính giáo dục cho đảng viên, công chức trong giữ gìn phẩm chất đạo đức, nâng cao bản lĩnh chính trị, gương mẫu, trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Ngoài việc quán triệt, tuyên truyền, Chi bộ đã cụ thể hóa quy định về nêu gương bằng việc ban hành các chương trình, kế hoạch; triển khai cho đảng viên Chi bộ thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm.
Từ việc được quán triệt, học tập các quy định về nêu gương của Trung ương, của Tỉnh ủy, của Đảng ủy Khối, Đảng ủy Sở, ý thức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã từng bước được nâng lên, luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên, công chức của Chi bộ được thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình, trách nhiệm trong công tác. Mỗi đảng viên, công chức, nhất là người đứng đầu đơn vị thực sự gương mẫu; tu dưỡng đạo đức, lối sống lành mạnh; chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao; có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, tận tâm, trung thực, làm việc có nguyên tắc, kỷ cương; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc, thực hiện tốt quy chế dân chủ, sâu sát, trung thực, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm không có cán bộ suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, không vi phạm những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW.
Thông qua quá trình rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, Chi bộ Tổ chức, Biên chế đã đút kết được một số bài học kinh nghiệm trong việc nêu gương:
Một là, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên là cơ sở để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp có đủ năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức, uy tín lan toả đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Hai là, việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên cần tiến hành thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi theo phương châm “chức vụ càng cao thì càng phải đề cao tính tiền phong, gương mẫu”.
Ba là, phát huy tính tự giác với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện suy thoái, tham nhũng, tiêu cực; cũng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên, đòi hỏi mỗi người phải phát huy tốt hơn nữa vai trò nêu gương của mình trong học tập và làm theo Bác. Nêu cao tinh thần trách nhiệm và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới, mỗi cán bộ, đảng viên Chi bộ Tổ chức, Biên chế cần thực hiện những nội dung sau:
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện nêu gương, phải được xem đây là nhu cầu tự thân, ý thức tự giác của mỗi người. Xác định đúng và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo Bác; trách nhiệm chính trị, thái độ, động cơ, nghiêm khắc về trách nhiệm thực hiện nêu gương, tự phê bình và phê bình. Việc nêu gương phải thực hiện cả đối với bản thân mình, đối với người và đối với công việc; phải làm gương thường xuyên từ việc nhỏ đến việc lớn, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, lời nói đi đôi với việc làm, đi đôi với ý chí hành động. Đánh giá đúng bản thân, nhận rõ ưu điểm để phát huy, thấy hết hạn chế, khuyết điểm để kiên quyết sửa chữa, khắc phục; tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp nêu gương phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao nhằm có kế hoạch hành động rõ ràng, cụ thể, gắn với quá trình thực hiện công tác.
Mỗi đảng viên, công chức cần phải nghiêm khắc với bản thân mình, không ngừng tự học, tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, ý thức, trách nhiệm đi đầu trong phẩm chất đạo đức, lối sống và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ hơn nữa giữa Đảng với Nhân dân, thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân”.
Người đảng viên, công chức, người đứng đầu đơn vị phải là những tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, trở thành mẫu số chung để mọi người noi theo. Nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên, công chức, giữ vững phẩm chất, đạo đức, nhân cách, lối sống; thường xuyên tìm tòi học hỏi, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, đặt lợi ích cơ quan, đơn vị lên trên lợi ích cá nhân, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Học tập và làm theo Bác để Đảng ta và mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, năng lực, phẩm chất, uy tín của mình. Do đó, cần bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho đảng viên, công chức, nhất là thế hệ trẻ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Cần chú trọng đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, hình thức học tập, tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh việc phát hiện, biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng các tấm gương, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác.
Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên tiếp tục được coi trọng và nâng tầm, là bước tiến quan trọng, đột phá trong nhận thức về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Thực hiện nêu gương là thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, là cam kết chính trị của cán bộ, đảng viên đối với chính mình và đối với toàn Đảng, toàn dân. Đảng viên, công chức thuộc Chi bộ Tổ chức, Biên chế cần thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và nếp văn hóa của mỗi người; chức vụ càng cao càng phải nêu gương mẫu mực, tạo sự lan tỏa từ trên xuống dưới, xây dựng Đảng bộ ngày càng vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt chuyên đề
Tác giả bài viết: Phan Ngọc Sang - P.TCBC&TCPCP
Ý kiến bạn đọc