Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các cấp ủy đảng phải xây dựng chi bộ tốt, bởi vì “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”. “Các chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh. Các chi ủy vững tức là chi bộ mạnh”. Người khẳng định: “Trong công tác xây dựng Đảng, cái gốc là chi bộ. Phải làm sao cho chi bộ vững để lúc thuận lợi cũng như khi gặp khó khăn, họ biết phát huy thắng lợi, khắc phục trở ngại, vững vàng tiến lên”. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng, đối với Đảng ta, xây dựng chi bộ cho tốt, cho vững mạnh là một việc vô cùng quan trọng…
Riêng với chi bộ ở các cơ quan, Người nói: “Chi bộ phải là động lực của mỗi cơ quan… Chi bộ là một tổ chức lãnh đạo chính trị, chứ không phải là một tổ chức hành chính”. Chi bộ vừa là nơi rèn luyện tốt nhất, đồng thời là đối tượng để các cấp ủy đảng quan tâm hướng dẫn, lãnh đạo, triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, đồng thời là nơi cuối cùng biến các chủ trương đó trở thành hiện thực trong cuộc sống. Để chi bộ luôn đi đúng định hướng, phát triển một cách toàn diện đủ sức lãnh đạo, thì trước hết chi bộ đó phải thực hiện tốt sự lãnh đạo toàn diện của mình trên các lĩnh vực (công tác chuyên môn, công tác tư tưởng, công tác đào tạo, bồi dưỡng, công tác đoàn thể…).
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Sở Nội vụ, thời gian qua, Chi bộ Văn phòng đã xây dựng kế hoạch và thực hiện đăng ký mô hình “Chi bộ 4 tốt” với Đảng ủy Sở; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng “Chi bộ bốn tốt” với bốn tiêu chí: Lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt. Trong đó “đoàn kết tốt, kỷ luật tốt” là một trong những tiêu chí được tập trung thực hiện để xây dựng “Chi bộ bốn tốt”.
1. Đoàn kết: Đoàn kết là để tập hợp sức mạnh, là sự kết hợp nhiều người, mỗi người một ưu điểm riêng mà người khác không có; đoàn kết là sự cảm thông, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người. Đoàn kết là sự gắn kết chặt chẽ mọi người với nhau, cùng đồng lòng chung sức, hỗ trợ nhau để giải quyết công việc. Sự kết hợp ấy sẽ tạo nên sức mạnh to lớn giúp mọi người vượt qua mọi khó khăn, đem lại kết quả tốt đẹp và thành công.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là vấn đề có tính chiến lược, quyết định mọi thành công của cách mạng. Đây cũng chính là bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với việc xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong công tác tổ chức và cán bộ của Đảng, cũng như việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay. Mỗi khi nội bộ chưa thống nhất về chính trị tư tưởng, về chủ trương, về lợi ích thì không thể có sự đoàn kết nhất trí cao, đồng nghĩa với nó là sự bất ổn và tạo nên lực cản kìm hãm sự phát triển chung của tổ chức Đảng và của toàn Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Theo quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết trước hết là đoàn kết nội bộ, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, trong đó, đoàn kết nội bộ, đoàn kết trong Đảng là nền tảng, là bí quyết thành công của sự tồn tại và phát triển bền vững của Đảng và của dân tộc Việt Nam ta. Đoàn kết tạo ra sức mạnh to lớn giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, rào cản, nhằm đem lại kết quả tốt đẹp cho cuộc sống và là chìa khóa vàng đem lại thành công.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Người cũng nhấn mạnh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải coi đoàn kết là một đức tính cơ bản của người cách mạng. Ai không có khả năng tập hợp, đoàn kết quần chúng và các đồng chí của mình thì không thể làm cách mạng, không thể làm cán bộ.
2. Kỷ luật: Kỷ luật của Đảng là tổng thể những điều đã được quy định trong Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận, hướng dẫn của Đảng có tính chất bắt buộc đối với hoạt động của mọi tổ chức đảng và đảng viên nhằm bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức trong toàn Đảng.
Kỷ luật của Đảng là kỷ luật dựa trên tình đồng chí, kỷ luật của những người cùng chung một lý tưởng, tự nguyện đứng trong hàng ngũ Đảng, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc. Mọi đảng viên và tổ chức đảng liên kết với nhau theo một kỷ luật chung dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, sự thống nhất chặt chẽ về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Kỷ luật đó xuất phát từ ý chí của toàn Đảng nhằm bảo đảm cho sự thống nhất, tập trung cao trong Đảng, đồng thời để phát huy dân chủ, phát huy tính tích cực và sáng tạo của toàn thể đảng viên và các tổ chức đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn hoàn thành sự nghiệp cách mạng vẻ vang và rất nặng nề của mình, Đảng phải có đường lối đúng, phải thực sự thi hành cho đúng, phải tổ chức kiểm tra, kiểm soát và giữ kỷ luật cho nghiêm… Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Người khẳng định: “Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới”. Theo Người, tổ chức đảng như cơ thể con người, nghị quyết của đảng như mạch máu. Vì vậy, “mệnh lệnh, nghị quyết đi mau, đi suốt từ trên đến dưới, công tác mau chóng, việc gì cũng xong xuôi. Nó ngừng lại cấp nào, từ cấp đó trở xuống là tê liệt, không biết đường nào mà công tác”. Khi không giữ nghiêm kỷ luật của Đảng thì sẽ dẫn tới “Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, công việc bê trễ, chính sách không thi hành được triệt để, Đảng xa rời dân chúng”. Mọi biểu hiện coi thường kỷ luật Đảng, tự đặt mình ra ngoài hoặc trên tổ chức, “quên cả kỷ luật của Đảng”, “không phục tùng mệnh lệnh, không tuân theo kỷ luật. Cứ làm theo ý mình” dù là nhỏ cũng đều làm phương hại cho Đảng, làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng.
3. “Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt” trong Chi bộ là quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, đảng bộ; tăng cường sự lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, đảng bộ. Xây dựng, tổ chức thực hiện theo đúng quy chế làm việc của cấp ủy, chi bộ, đảng bộ. Không có đảng viên vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm. Thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ, nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, đảng viên. Lãnh đạo việc xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh; phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền, xem xét, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh tại địa phương, cơ quan, đơn vị; kết quả phối hợp công tác; phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn nhất quán khẳng định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng. Vì vậy, việc xây dựng, củng cố tổ chức đảng “sâu rễ, bền gốc” từ cơ sở, là công việc phải làm thường xuyên, liên tục. Thực tiễn cũng đã chứng minh, nơi nào tổ chức Đảng yếu kém, đảng viên suy thoái, đánh mất vai trò, thì nơi đó phong trào chung sẽ sa sút. Do đó, việc xây dựng chi bộ “bốn tốt” phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài, phải được coi là nguyên tắc quan trọng, là cơ sở để hoàn thiện phương thức tổ chức và phát triển các tổ chức cơ sở đảng.
Thực hiện Hướng dẫn số 06-HD/ĐUK ngày 08/8/2023 của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh về các tiêu chí thực hiện mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ bốn tốt”; Công văn số 107-CV/ĐU ngày 14/8/2023 của Đảng ủy Sở về việc đăng ký “chi bộ bốn tốt”; trong thời gian qua, Chi bộ Văn phòng đã triển khai thực hiện việc đăng ký và xây dựng mô hình “chi bộ bốn tốt”, trong đó có yếu tố “đoàn kết tốt, kỷ luật tốt”.
Tập thể Chi bộ Văn phòng luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; tự giác tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức và trình độ, năng lực công tác.
Để giữ gìn đoàn kết thống nhất nội bộ cũng như kỷ luật đảng, Chi bộ đã luôn thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng trong Chi bộ, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Cấp ủy, đảng viên gương mẫu chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, sự phân công, điều động của tổ chức; đi đầu thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng; thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính; không có đảng viên bị xử lý kỷ luật. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng đảng viên trong chi bộ ý thức sâu sắc ý nghĩa to lớn của việc xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, đơn vị, việc chấp hành kỷ luật Đảng, xem đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ tiên quyết, là yếu tố quyết định đến tiến độ và chất lượng để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Kết quả đạt được trong năm 2023, Chi bộ Văn phòng được Đảng ủy Sở Nội vụ công nhận “Chi bộ bốn tốt” với số điểm 100 điểm tại Quyết định số 73-QĐ/ĐU ngày 15/12/2023.
Phát huy kết quả đạt được, trong năm 2024, Chi bộ Văn phòng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng “Chi bộ bốn tốt”.
Một số giải pháp để góp phần thực hiện hiệu quả các tiêu chí xây dựng mô hình “Chi bộ bốn tốt”, tiêu chí “đoàn kết tốt, kỷ luật tốt”
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi đảng viên, công chức, người lao động nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, cũng như là sự cần thiết và nội dung, biện pháp đẩy mạnh xây dựng “Chi bộ bốn tốt”. Đưa việc xây dựng “Chi bộ bốn tốt” trở thành mũi đột phá nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
2. Chi bộ phải duy trì nền nếp, thực hiện đầy đủ nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ theo quy định, thường xuyên đổi mới phương pháp triển khai, quán triệt thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên, công chức, người lao động, trong đó chú trọng công tác củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Chi bộ phải xây dựng, tổ chức thực hiện theo đúng Quy chế làm việc của Chi bộ gắn với xây dựng đoàn kết nội bộ tốt.
3. Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ phải kịp thời quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy cấp trên phù hợp với thực tiễn của đơn vị; lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng đảm bảo số lượng, chất lượng. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới và một số quy định khác.
4. Chú trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tích cực đổi mới phương pháp, tác phong lãnh đạo, có ý chí quyết tâm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thách thức; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất cao trong chi bộ. Thực hiện nghiêm Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới và một số quy định khác; Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng; kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý những biểu hiện lệch lạc, vi phạm kỷ luật đảng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phát huy vai trò của quần chúng Nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương đơn vị theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” đối với mọi hoạt động của chi bộ và đội ngũ đảng viên…
6. Lấy kết quả thực hiện “Chi bộ bốn tốt” là một trong những cơ sở quan trọng để xem xét, đánh giá, xếp loại chất lượng và khen thưởng đối với tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm. Đây là động lực để Chi bộ áp dụng và triển khai thực hiện thành hiệu quả mô hình “chi bộ bốn tốt”, trong đó có tiêu chí “đoàn kết tốt, kỷ luật tốt”./.
Một số hình ảnh hoạt động của Chi bộ Văn phòng
Tác giả bài viết: Trần Thúy Ngọc - VPS
Ý kiến bạn đọc