I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta di sản vô cùng quý giá. Đó là thời đại Hồ Chí Minh; là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người mãi là biểu tượng cách mạng, ngọn hải đăng dẫn đường cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, mãi là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp các thế hệ người Việt Nam tiếp nối, noi theo. Không ngừng học tập, rèn luyện theo Người đã, đang và luôn là tiêu chí, thước đo, phương châm hành động và biện pháp công tác của các cán bộ, đảng viên, được coi là động lực, cội nguồn sức mạnh để toàn Đảng nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm, nhận thức, tư tưởng chỉ đạo rất cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách mạng và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay. Đó là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại. Người nhiều lần khẳng định: "Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi". "Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"; "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"; "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập". "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, nước ta có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế". "Nước độc lập mà Dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì".
Vì vậy, độc lập phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, tức là phải tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, Dân tộc Việt Nam có vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, điều quan trọng là phải phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, tập hợp được mọi lực lượng, dân tộc, tôn giáo, mọi người dân Việt Nam yêu nước. Theo Người, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản: "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa Mác - Lênin". Người khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo đúng đắn của một đảng cách mạng chân chính. Đảng có mạnh thì Dân tộc mới mạnh, vì Đảng là đội tiên phong, là người lãnh đạo của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc.
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, là những phẩm chất cao quý của một người cách mạng. Đó là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cần: Là cần cù, chăm chỉ, tận tuỵ, hết lòng hết sức vì công việc chung, vì nước, vì dân. Kiệm: Là tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, nhất là đối với của công. Liêm: Là thanh liêm, giữ liêm sỉ, danh dự, trong sạch, trong sáng. Chính: Là chính trực, ngay thẳng, khẳng khái, không quỵ luỵ, cúi luồn, giữ sĩ khí của một người quân tử, chính khách. Chí công vô tư: Là làm việc vì sự nghiệp chung, đặt lợi ích công lên trên hết, trước hết; không tư lợi, vụ lợi, không vì lợi ích riêng. Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Người thường nói: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".
Phong cách Hồ Chí Minh là lối sống, tác phong khiêm tốn, giản dị, cầu thị, gần dân, trọng dân, tin dân, học dân, làm việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân; là đầy tớ của dân chứ không phải "làm quan nhân dân", không được lên mặt "làm quan cách mạng". Theo Người, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, ra sức tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng nâng cao nhận thức, trình độ, trở thành những con người có văn hoá, có liêm sỉ, "tận trung với Đảng, tận hiếu với Dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
II. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH GẮN VỚI VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CÔNG TÁC CỦA VĂN PHÒNG SỞ NỘI VỤ
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về tự lực, tự cường, tự học tập, tu dưỡng suốt đời, vừa làm việc vừa học tập, vừa làm giàu trí tuệ vừa tu dưỡng phẩm chất, nhân cách trong nhiều điều kiện, hoàn cảnh, môi trường, không gian, thời gian, thực tế cuộc sống và hoạt động cách mạng khác nhau. Do đó, cán bộ, công chức, viên chức cần phải lấy việc tự học tập, tự đào tạo, tu dưỡng, hoàn thiện bản thân thường xuyên, liên tục trong cuộc sống, công tác là chủ yếu. Người nhấn mạnh: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Làm nghề gì cũng phải học, vậy làm cách mạng cũng phải học. Nếu không giáo dục cho đảng viên làm cách mạng mà cứ yêu cầu họ làm cách mạng thì họ không làm tròn được nhiệm vụ”3. Muốn làm sự nghiệp cách mạng, phục vụ được Tổ quốc và Nhân dân, bảo vệ và xây dựng được Đảng, Nhà nước, chế độ thì trước tiên cán bộ, công chức, viên chức phải có đủ hiểu biết, kiến thức, tri thức khoa học, phẩm chất nhân cách, đạo đức, lối sống tốt, để vừa là công dân tốt, vừa là “công bộc” tốt.
Học Người từ những điều giản dị nhất, không cần những lời hoa mỹ, chỉ thông qua những hành động nhỏ, những câu chuyện về đời thường của Người nhưng nếu mỗi chúng ta biết cách vận dụng thì những bài học đó còn đáng giá hơn hàng trăm bài diễn thuyết.
Có rất rất nhiều bài học về Bác: Bài học về cách ứng xử, bài học về sự công bằng, bài học về lòng quyết tâm; bài học về chữ tín; bài học về sự đoàn kết….
Qua những bài học về Người ta lại thấm nhuần và rút ra được nhiều bài học cho bản thân để vận dụng vào cuộc sống, công việc hằng ngày của mỗi đảng viên, công chức.
Kính thưa các đồng chí
Phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, bám sát chương trình, kế hoạch công tác, tranh thủ ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Sở, trực tiếp là đồng chí Giám đốc Sở, trong thời gian qua, Văn phòng Sở đã thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao trên các mặt công tác, đã được Đảng ủy, cơ quan đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiều năm.
Bên cạnh những nhiệm vụ và kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục để nhiệm vụ, vị trí, vai trò của Văn phòng Sở ngày càng rõ nét và đem lại hiệu quả tích cực.
Nếu mỗi đảng viên chúng ta nếu biết vận dụng, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh vào trong từng vị trí để trao dồi chuyên môn, nghiệp vụ, ý chí và phong cách làm việc chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao.
Tấm gương về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mang đến các kiến thức, nhận thức cũng như thực tiễn cho mỗi người dân. Trong đó, các cán bộ Đảng viên cần thấy được trách nhiệm cũng như ý nghĩa học tập, rèn luyện của mình. Liên hệ bản thân giúp chúng ta tự nhận định, tự rèn luyện cũng như noi theo các bài học của Bác. Từ đó mỗi người đều có được cho mình các kinh nghiệm, bài học quý báu. Cũng như qua đó nhìn nhận, soi xét trong nhiệm vụ, trách nhiệm của mình.
III. ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP, Ý TƯỞNG ĐỐI VỚI NHIỆM VỤ CỦA VĂN PHÒNG SỞ GẮN VỚI VIỆC HỌC TẬP, LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
1. Mỗi đảng viên, công chức cần nhận thức sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Coi đây là công việc thường xuyên, không thể thiếu đối với mỗi đảng viên, công chức. Chi bộ cần nâng cao nhận thức cho đảng viên, công chức về nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động.
2. Chú trọng xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện. Ðể nêu cao tinh thần trách nhiệm, trước hết phải xác định rõ trách nhiệm của mỗi công chức, người lao động. Sự rạch ròi trong công việc sẽ khiến mỗi người có trách nhiệm hơn trong công việc của mình. Khi đó, mỗi công chức phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, chịu trách nhiệm cho nhiệm vụ ấy. Dù cá nhân hay tập thể đều phải biết lắng nghe ý kiến đóng góp để tìm ra cái đúng, cái hay mà sửa chữa để hoàn thiện mình.
3. Thường xuyên đổi mới tác phong, lề lối làm việc và phải tự xây dựng chương trình làm việc (năm, quý, tháng và hằng tuần) riêng của mình, đảm bảo tuân thủ đúng quy chế, quy trình cụ thể; cần chịu khó tự tìm tòi, nghiên cứu kỹ, nắm rõ hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết về phương pháp, kỹ năng tham mưu văn bản. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả. Người cũng thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp, tác phong làm việc của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
4. Duy trì và tăng cường đoàn kết nội bộ trong đơn vị. Xây dựng đoàn kết nội bộ, giữ được văn hóa đoàn kết đòi hỏi mỗi cá nhân phải luôn tìm cách cân bằng được cả hai cảm xúc suy nghĩ tiêu cực và tích cực của mình. Trong tư tưởng mỗi cá nhân phải nhấn mạnh được mục đích chung và lợi ích chung của tất cả để cùng hướng mọi người về một mối, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh “Xin ai nên nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”, Người cũng nhấn mạnh thêm “Muốn đoàn kết càng chặt chẽ, tiến bộ càng mau chóng thì mọi người phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”. Mà muốn được như thế thì không có cách gì hơn là thật thà tự phê bình và phê bình”. “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ.
5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, nhất là trong công tác quản lý điều hành.
6. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ; chuẩn mực trong ứng xử với đồng nghiệp; phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ.
Học tập theo gương Bác là là niềm vinh dự tự hào đối với mỗi cán bộ đảng viên và mỗi người dân Việt Nam. Sinh thời Bác Hồ của chúng ta đã khẳng định: Đạo đức là gốc của cách mạng. Bác coi đạo đức của con người như gốc của cây, như nguồn của sông. Phải có đạo đức, có nhận thức và thay đổi trong tư duy đạo đức của con người. Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng và tích cực của đạo đức trong đời sống xã hội. Bên cạnh các chuẩn mực, nguyên tắc, đạo đức đóng góp giá trị lớn cho thành công và đặc sắc riêng của dân tộc ta. Ngày nay trong giai đoạn mở cửa, nhiều văn hóa cũng như nét sống mới du nhập. Tuy nhiên các giá trị đạo đức làm gốc rễ phải được tôn trọng và gìn giữ. Mặt khác, thực tiễn cuộc sống cũng cho thấy đã và đang xảy ra tình trạng suy thoái về đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, chính vì thế việc trao dồi tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn luôn hiện hữu trong đời sống, việc làm của mỗi người cán bộ, đảng viên.
Vì sao lấp lánh tỏa muôn nơi
Mười chín tháng năm…vọng đất trời
Lãnh tụ kính yêu người vĩ đại
Anh hùng hào kiệt đã ra đời
Song toàn văn võ cứu non nước
Thoát cảnh lầm than giọt lệ rơi
Thế giới năm châu đều ngưỡng mộ
Muôn nơi thành kính nhớ ơn Người.
Tác giả bài viết: Trần Thị Thu Lượng - VPS
Ý kiến bạn đọc