Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở số 10/2022/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 gọi tắt là Luật.
Nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thi hành Luật; kịp thời phân công cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan và cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật trên phạm vi cả nước. Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật, theo đó đề ra 3 nội dung chính để thực hiện gồm:
1. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tập huấn nội dung Luật; xây dựng văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật.
2. Xây dựng Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở.
3. Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, hết hiệu lực thi hành hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật; tổ chức theo dõi, kiểm tra và báo cáo kết quả thi hành Luật.
Tại nội dung của Kế hoạch đã quy định cụ thể nội dung, nhiệm vụ, thời gian thực hiện; phân công cơ quan chủ trì và các cơ quan, tổ chức liên quan phối hợp thực hiện từng nội dung, nhiệm vụ đề ra trong việc triển khai thi hành Luật; lộ trình cụ thể để bảo đảm từ ngày 01/7/2023, Luật và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Tại Kế hoạch Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm giúp thủ tướng Chính phủ tổng hợp, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 06 chương, 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở./.
Tác giả bài viết: Văn Thị Hồng Bổn - P.XDCQ&CTTN
Ý kiến bạn đọc