Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ.

Thứ năm - 13/07/2023 10:43 478 0
Ngày 12/7, tại Trụ sở Chính phủ đã diễn ra Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự hội nghị (Nguồn: TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự hội nghị (Nguồn: TTXVN)

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, đồng thời là công việc mới, khó, nhạy cảm.
Thủ tướng nêu rõ, tại sự kiện này, chúng ta đánh giá lại 6 tháng qua đã làm được gì, chưa làm được gì, nêu nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan, từ đó rút bài học kinh nghiệm, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa thời gian tới đây. Năm nay là năm dữ liệu, do đó, các bộ, ngành, địa phương nào cũng phải cơ sở dữ liệu, chúng ta tích hợp để điều hành tốt, nhưng cũng phải phát triển cơ sở dữ liệu của từng bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng ghi nhận những bước tiến quan trọng trong 6 tháng đầu và nhấn mạnh trong 6 tháng cuối năm phải làm tốt hơn 6 tháng đầu năm và năm 2023 phải có kết quả cao hơn năm 2022, theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian số, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam và đạt được một số kết quả nổi bật như: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cùng 01 Nghị định, 02 Chỉ thị, 01 Công điện, 07 Nghị quyết, 11 Thông báo kết luận của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành.
Hội nghị được nghe Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số trình bày về kết quả nổi bật trong triển khai chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2023, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022 của các bộ, ngành, địa phương và kết quả đánh giá các Cổng dịch vụ công.
Về kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá chỉ số chuyển đổi số quốc gia năm 2022 là 0,71. So với năm 2021, tốc độ tăng trưởng chỉ số chuyển đổi số quốc gia năm 2022 có chậm lại, nhưng các chỉ số thành phần về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45% - 55%. Điều này có nghĩa là càng lên mức cao, thì việc tăng điểm sẽ càng khó khăn. Chỉ số tổng hợp cấp tỉnh có mức tăng trưởng mạnh hơn chỉ số tổng hợp cấp bộ, phản ánh một cách tương đối, trên bình diện tổng thể, là trong năm 2022 thì các địa phương nỗ lực lớn hơn các bộ, ngành Trung ương. Năm 2022, 100% các bộ, tỉnh đều có chỉ số tăng so với năm 2021, điều này phản ánh một cách tương đối trong năm 2022, cả hệ thống chính quyền các cấp đều nỗ lực, nhưng mức độ nỗ lực khác nhau sẽ có kết quả khác nhau.


CHỈ SỐ
 
       NĂM 2020               NĂM 2021               NĂM 2022       

Chuyển đổi số quốc gia 
      
0,48 0,61 0,71

Chính phủ số
 
0,36 0,43 0,65

Kinh tế số
 
0,26 0,41 0,64

Xã hội số
 
0,29 0,39 0,57

Về kết quả đánh giá các Cổng dịch vụ công - một trong những tiêu chí quan trọng nhất đối với trụ cột chính phủ điện tử, chính phủ số của chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ góc độ trải nghiệm của người sử dụng đối với Cổng dịch vụ công của 20 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các Cổng dịch vụ công được chia thành 5 mức độ: Mức độ A - Từ 90 điểm đến 100 điểm; Mức độ B - Từ 80 đến 89 điểm; Mức độ C - Từ 65 đến 79 điểm; Mức độ D - Từ 50 đến 64 điểm; Mức độ E - Dưới 50 điểm. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng công bố xếp hạng chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương theo các mức độ nêu trên.
Về kết quả triển khai chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra 6 kết quả nội bật, cụ thể:
Về thể chế số, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi được Quốc hội thông qua tại phiên họp sáng ngày 22/6/2023, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Luật quy định giá trị pháp lý của các thành tố cơ bản nhằm thúc đẩy chuyển đổi các giao dịch từ môi trường thực lên môi trường số, giúp nhiều luật hiện nay có hiệu lực thi hành ngay trên môi trường số. Đây có thể coi là luật cơ bản về chuyển đổi số, là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế cho chuyển đổi số.
Về hạ tầng số, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 93,31 Mbps, tăng 29,98% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 42 và cao hơn trung bình thế giới là 79,28 Mbps. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 47,27 Mbps, tăng 33,95% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 47 và cao hơn trung bình thế giới là 42,3 Mbps. Việt Nam có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, 43 trung tâm dữ liệu trên toàn quốc, với tổng số 571 nghìn máy chủ, 54,7 triệu lõi vật lý.
Về nhân lực số, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung 5 mã ngành mới vào chương trình đào tạo đại học, sau đại học gồm: Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Kinh tế số, Công nghệ giáo dục và Công nghệ tài chính. Số lượng tuyển sinh đào tạo kỹ sư, cử nhân về máy tính và công nghệ thông tin năm 2022 đạt 70.000, tăng 16% so với năm 2021.
Về chính phủ số, với trọng tâm là dữ liệu và dịch vụ công trực tuyến, có những chuyển biến rõ rệt. Đề án 06 được gọi là một mũi đột phá của chuyển đổi số quốc gia, là hạt nhân thúc đẩy cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu, nâng cao chất lượng 53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, cấp trên 45 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2023, trung bình có 18 giao dịch 1 giây, 1,59 triệu giao dịch 1 ngày qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); 57 giao dịch 1 giây; 5,01 triệu giao dịch 1 ngày qua hệ thống giám sát, đo lường dịch vụ chính phủ số của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về kinh tế số, ước tính sơ bộ tỷ trọng kinh tế số trong GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao ở mức 21% so với cùng kỳ năm 2022.
Về nền tảng số, tổng số lượng người dùng hàng tháng trên các ứng dụng di động Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 vượt mức 500 triệu, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2022. 60 nền tảng, ứng dụng di động phục vụ người dân của Việt Nam có trên 1 triệu người dùng hàng tháng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Sau báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, báo cáo của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ trình bày đã đánh giá kết quả, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, phân tích nguyên nhân, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc triển khai Đề án 06 nói riêng và công cuộc chuyển đổi số quốc gia thời gian tới.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra ý kiến phát biểu, thảo luận trên tinh thần Thủ tướng Chính phủ yêu cầu về khách quan, trung thực đánh giá thực chất tình hình, kết quả đạt được, có minh chứng bằng số liệu cụ thể, nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn; phát hiện đúng các nguyên nhân; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới, cũng như trong dài hạn (thể chế; nhân lực số; xây dựng, chia sẻ, kết nối các cơ sở dữ liệu; an ninh, an toàn; tăng hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phát triển tiện ích cho người dân...).
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ban, ngành ở Trung ương, các địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Đề án 06.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cho biết vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm; Tính liên thông, chia sẻ, đồng bộ giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia còn thấp, dữ liệu chưa thực sự “đúng, đủ, sạch, sống”, dẫn đến hiệu quả sử dụng chưa cao; Nền tảng xã hội số, thương mại điện tử còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tự chủ trong chuyển đổi số quốc gia; Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều; Tình trạng lừa đảo trên môi trường mạng vẫn diễn biến phức tạp…

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng lưu ý phải quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06. Các ngành, UBND các cấp phải chỉ đạo quyết liệt, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2023 là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng tin tưởng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, công cuộc chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 sẽ được triển khai thành công ở cấp độ quốc gia, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số./.

Tác giả bài viết: Lê Hoàng Trung - VPS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây