Vì vậy, để việc học tập và làm theo gương Bác trở thành một nhiệm vụ quan trọng, sâu rộng trong toàn đảng toàn dân và toàn quân ta, ngày 14/5/2011, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sau 05 năm triển khai thực hiện, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị số 03, ngày 15/5/2016, Bộ chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW. Đến ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 01 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW chuyên đề toàn khóa là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh”.
Cụm từ “ý chí tự lực, tự cường”, chỉ gồm 06 tiếng nhưng tải trong đó những nội hàm rất sâu rộng, đặc biệt, khi phân tích “ý chí tự lực, tự cường” trong tư tưởng, phong cách của Bác, chắc hẳn chúng ta lại càng nhìn thấy những ý nghĩa vô cùng lớn lao.
Thứ nhất, ý chí tự lực, tự cường, theo Bác, là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế. Thứ hai, tự lực, tự cường là phải nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Đây chính là sức mạnh, là nhân tố mang tính quyết định của cách mạng giải phóng dân tộc. Thứ ba,ý chí tự lực, tự cường là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng. Thứ tư, là đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân. Thứ năm, ý chí tự lực, tự cường là quyết tâm bảo vệ, giữ vững nền độc lập dân tộc.
Là người tìm đường, dẫn đường cho dân tộc, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần tự lực tự cường. Thực tế đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa đã giúp người hiểu rằng công cuộc giải phóng phải là công cuộc tự giải phóng. Người đã từng nói “Vận dụng công thức của Các Mác chúng tôi xin nói với em rằng công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”. Người luôn nhấn mạnh việc giải phóng của ta phải do ta tự làm lấy chứ không thể trông mong vào lực lượng bên ngoài. Tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi, vào tháng 8 năm 1945, Người đã kêu gọi đồng bào đem sức ta mà giải phóng cho ta. Sức mạnh như triều dân thác đổ của tinh thần dân tự giải phóng đã mang lại nền độc lập thiêng liêng cho tổ quốc. Không chỉ tự lực tự cường trong công cuộc kháng chiến giành độc lập, theo Người còn phải tự lực cánh sinh trong công cuộc xây dựng nước nhà. Người căn dặn trong mọi hoàn cảnh luôn lấy tự lực cánh sinh làm gốc để ứng phó với mọi phát triển của tình hình dù tình hình ấy thuận lợi hay gay go thì ta vẫn chủ động.
Sau 35 năm đổi mới Việt Nam đã có được cơ đồ vị thế tiềm lực to lớn, những thành tựu đáng tự hào. Đó là sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sức mạnh của ý chí tự lực, tự cường. Minh chứng cho điều này, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã khẳng định “Động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. “Khát vọng phát triển đất nước” luôn hiện hữu và là quy luật khách quan trong tiến trình phát triển của đất nước ta, là quan điểm cơ bản xuyên suốt, chi phối các nội dung của Nghị quyết Đại hội lần này.
Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong tư tưởng của Người thể hiện ở 05 khía cạnh: Một là, xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, cường thịnh, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Hai là, thực hiện khát vọng đất nước giàu mạnh, cường thịnh trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng chế độ mới, mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Ba là, xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, thực hiện một cách có kế hoạch với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân. Bốn là, phát huy tối đa nội lực dân tộc, tranh thủ ngoại lực, có chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài. Năm là, luôn xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn để đưa ra những quan điểm, chủ trương phù hợp; không giáo điều, máy móc trong học tập kinh nghiệm của nước khác.
Kế thừa truyền thống lịch sử - văn hóa của dân tộc, tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ở Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn bắt nguồn từ nhận thức đúng đắn về con người, hạnh phúc của người dân, của quốc gia dân tộc, ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Bằng ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh mà dân tộc ta đã viết nên những trang sử oai hùng trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi đất nước. Và trong thời gian qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh lại tiếp tục được phát huy tối đa nhất. Chúng ta đã và đang chống dịch bằng cả sức mạnh đoàn kết của dân tộc, đã nhiều lần chiến thắng đại dịch. Đó là nguồn sức mạnh, ý chí của dân tộc ta. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã, đang và mãi mãi là nền tảng, là điểm tựa vững vàng nhất để Đảng và Nhà nước ta hoạch định đường lối chiến lược phát triển đất nước, tiếp tục dẫn dắt toàn dân tộc vững bước đi lên.
Với khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta cần phát huy cao độ tinh thần yêu nước bằng việc nêu gương trước toàn dân thông qua những hành động cụ thể, thiết thực, gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong việc khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa nhằm chuyển hóa chủ nghĩa yêu nước thành khát vọng cống hiến, dựng xây đất nước, thành động lực tinh thần to lớn thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của quốc gia.
Thứ nhất, mỗi cán bộ, Đảng viên phải gương mẫu đi đầu, nhận thức đúng, đầy đủ các nhiệm vụ, thể hiện khát vọng phát triển cá nhân hài hòa trong khát vọng phát triển chung của cơ quan, coi đây là động lực trong sáng dẫn dắt ý chí, khát vọng hành động nhằm góp phần hoàn thành thành các mục tiêu Nghị quyết của Chi bộ, Chương trình công tác trọng tâm của Sở.
Thứ hai, với tinh thần tự lực, tự cường, mỗi cán bộ, Đảng viên phải tự trang bị, rèn luyện cho mình một tác phong làm việc khoa học, thái độ làm việc cầu thị, hợp tác, tinh thần tự nghiên cứu, độc lập, sáng tạo. Chỉ khi có thái độ học tập thường xuyên, thực chất thì mới có điều kiện để nâng cao hiểu biết, áp dụng vào công việc. Hơn nữa, ở những con người có thói quen tự học thường xuyên suốt đời, lấy sự học làm căn cốt thì mới có khả năng phản biện, tinh thần nghiên cứu độc lập, khoa học. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thách thức mới của công cuộc chuyển đổi số, vì vậy, nếu không thường xuyên tự học, nghiên cứu suốt đời thì mỗi người sẽ trở nên lạc hậu, rất dễ trở thành người bảo thủ, trì trệ, cản trở phát triển.
Thứ ba, mỗi cán bộ, Đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc xây dựng và thực hành đoàn kết. Là lực lượng nòng cốt, đông đảo nhất trong bộ máy Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị- xã hội, là “công bộc của dân”, “đày tớ của dân”, mỗi cán bộ, Đảng viên phải xây dựng được mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, dĩ công vi thượng, gần gũi, chăm lo cho nhân dân “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”. Có vậy, mới phát huy nguồn sức mạnh, trí tuệ to lớn từ trong nhân dân, cùng nhau hợp sức xây dựng cho được một xã hội đồng thuận cao trên tinh thần cởi mở, độ lượng, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định và phát triển toàn diện và bền vững của đất nước.
Thứ tư, nêu gương từ những người đứng đầu. Khi đề nghị mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: người có chức vụ càng cao, càng lớn thì càng phải gương mẫu trong tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong lề lối công tác để quần chúng nhân dân noi theo. Phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước vì dân. Có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sắc thực tiễn, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể. Do vậy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức càng phải thể hiện tính tiền phong, gương mẫu, từ đó sẽ lan tỏa, truyền cảm hứng đến tập thể, mọi cán bộ, Đảng viên theo sau nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong Đảng và xã hội.
Thứ năm, cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao tính cảnh tỉnh, răn đe đối với những tư tưởng, biểu hiện tiêu cực; đồng thời khuyến khích, cổ vũ cán bộ, đảng viên suy nghĩ, hành động vì lợi ích chung, vì hạnh phúc của nhân dân, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Với tinh thần “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, mỗi cán bộ, Đảng viên kiên quyết, kiên trì, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, nhu cầu văn hóa tinh thần trong Đảng. Mỗi đảng viên, cán bộ chân chính cần rèn luyện bản lĩnh để chống lại cám dỗ từ những vinh hoa, phú quý không chính đáng; biết trọng danh dự; tuyệt đối không được lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà Đảng và Nhân dân đã tin tưởng, giao phó để theo đuổi mục đích riêng của mình.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc là sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Tác giả bài viết: Trần Thị Thu Lượng - VPS
Ý kiến bạn đọc