Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh đã chủ trì và dự phiên họp có các thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh để nghe báo cáo công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục có những chỉ đạo sát sao, quyết liệt để tháo gỡ những điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính, đảm bảo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp và phương châm của năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện để chỉ đạo, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm; nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình thực tiễn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo (Ảnh: Baochinhphu.vn)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thẳng thắn thừa nhận cải cách hành chính là quá trình liên tục và còn gặp nhiều rào cản, bất cập cần kịp thời khắc phục để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đáp ứng mong đợi của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong đó thủ tục hành chính còn rườm rà, có nơi thực hiện chưa nghiêm, gây phiền hà, bức xúc; bộ máy tổ chức còn nhiều tầng nấc, hoạt động chưa thực sự hiệu quả; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm vẫn diễn ra.
Tại phiên họp, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận về những kết quả nổi bật trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đặc biệt là trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu; tái cấu trúc quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cũng đã thảo luận về những kết quả nổi bật trong cải cách TTHC và nêu một số mô hình hay trong cải cách TTHC; Chuyển đổi số, mô hình hay trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, những tồn tại, hạn chế và giải pháp trong thời gian tới...
Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt 5 đẩy mạnh gồm: Đẩy mạnh rà soát lại, tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn của thể chế, cơ chế chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước đến việc huy động nguồn lực, qua đó góp phần huy động mọi nguồn lực để phát triển. Đẩy mạnh đối thoại, chia sẻ, xử lý vướng mắc, bất cập cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là về TTHC. Đẩy mạnh CCHC công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đẩy mạnh xây dựng chuyển đổi số, chính phủ số, chính quyền số, công dân số, số hóa hồ sơ, số hóa các cơ sở dữ liệu góp phần nâng cao hiệu quả, chủ động trong phối kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị địa phương trong quá trình chia sẻ dữ liệu. Đẩy mạnh không sử dụng, thanh toán bằng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực, các giao dịch...
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thanh Trà - P.CCHC-VTLT
Ý kiến bạn đọc