Hợp nhất quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL.

Thứ sáu - 06/09/2024 17:13 198 0
Ngày 20/8/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký Văn bản hợp nhất số 5/VBHN-BNV hợp nhất Nghị định Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL. Theo đó, Nghị định này quy định về nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể và tự chủ về tổ chức bộ máy của ĐVSNCL.
Hợp nhất quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL.
3 nguyên tắc thành lập, tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL
Một là, việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các ĐVSNCL phải bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền quy định tại Nghị định này; một ĐVSNCL có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại. 
Hai là, các ĐVSNCL được thành lập mới (kể cả ĐVSNCL thuộc ĐVSNCL) phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu).
Ba là, ĐVSNCL hoạt động không hiệu quả thì tổ chức lại hoặc giải thể. Việc tổ chức lại ĐVSNCL không được làm tăng thêm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó của đơn vị và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.
Điều kiện thành lập ĐVSNCL
Thứ nhất, phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các ĐVSNCL (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ hai, đáp ứng đủ tiêu chí thành lập ĐVSNCL theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Thứ ba, xác định rõ mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước.
Thứ tư, đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người (trừ các ĐVSNCL cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu được thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành).
Thứ năm, có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới); trang thiết bị cần thiết ban đầu; nguồn nhân sự và kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật. 
Điều kiện tổ chức lại ĐVSNCL
Thứ nhất, có điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các ĐVSNCL (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng quy định về số lượng người làm việc tối thiểu quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 5 Nghị định này.
Thứ hai, không đáp ứng đủ các tiêu chí thành lập ĐVSNCL theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, việc tổ chức lại các đơn vị đảm bảo không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính hiện có của đơn vị;
Điều kiện giải thể ĐVSNCL
Thứ nhất, không còn chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước.
Thứ hai, không đáp ứng đủ tiêu chí thành lập ĐVSNCL theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, ba năm liên tiếp hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ tư, thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các ĐVSNCL (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, Chương II Nghị định này quy định chi tiết trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2020, thay thế Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL; bãi bỏ các nội dung quy định về tự chủ tổ chức bộ máy và Hội đồng quản lý quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL./.

Tác giả bài viết: Đỗ Thị Mỹ Dung - P.TCBC&TCPCP

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây