NGÀNH TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC – 76 NĂM TRƯỞNG THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Thứ sáu - 27/08/2021 09:43 631 0
Ngày 28/8/1945 đã đi vào mốc son lịch sử của dân tộc ta. Đó chính là ngày Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã ra tuyên cáo trước q uốc dân đồng bào cũng như toàn thế giới về việc thành lập Chính phủ nước Việt Nam mới và công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia gồm các bộ, ngành để đảm nhiệm sứ mệnh lịch sữ trước dân tộc. Chính phủ lâm thời gồm 13 Bộ và 15 Bộ trưởng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Trong cơ cấu Chính phủ có Bộ Nội vụ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng. Như vậy, ngày 28/8/1945 đã đi vào lịch sử là ngày khai sinh Bộ Nội vụ và đánh dấu sự ra đời của Ngành Tổ chức Nhà nước do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thừa Ủy quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao Huân chương Lao động hạng nhì cho tập thể Sở Nội vụ Bình Định
Đồng chí Hồ Quốc Dũng - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thừa Ủy quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao Huân chương Lao động hạng nhì cho tập thể Sở Nội vụ Bình Định

Thời kỳ Chính phủ lâm thời (1945 - 1946): Đây là một thời kỳ lịch sử, tuy rất ngắn nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ghi nhận thắng lợi vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân tộc trong cuộc vùng lên oanh liệt, quật cường, đánh dấu buổi sinh thành của một chế độ mới, của chính quyền dân chủ nhân dân và của ngành công tác xây dựng, tổ chức, điều hành chính quyền - nhà nước kiểu mới mà cơ quan phụ trách chính là Bộ Nội vụ.Thời kỳ này, Bộ Nội vụ đã có nhiều đóng góp to lớn trong công tác nội trị, tổ chức xây dựng chính quyền cách mạng nhân dân non trẻ, điển hình là đã khẩn trương xây dựng, củng cố, bảo vệ thành công và phát huy tối đa công năng của hệ thống chính quyền cách mạng, phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh xây dựng cuộc sống mới, chống lại các thế lực thù trong, giặc ngoài. Thắng lợi to lớn này đã góp phần tạo nên cơ sở vững chắc cho sự phát triển của chính quyền dân chủ nhân dân trong các giai đoạn sau này.

Thời kỳ kháng chiến và kiến quốc (1946-1954): Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc, chúng ta vừa chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, vừa tăng gia sản xuất, xây dựng đất nước. Thành tích to lớn, quan trọng của Bộ Nội vụ thời kỳ này chính là tổ chức thành công cuộc tản cư, di chuyển chiến lược, đảm bảo giữ gìn và duy trì tốt cơ sở vật chất tối quan trọng cho toàn bộ cuộc kháng chiến. Trong đó, việc Bộ phối hợp tổ chức, bảo vệ thành công việc sơ tán toàn bộ cơ quan lãnh đạo Trung ương lên Việt Bắc thực sự là một kỳ tích. Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng đã có đóng góp to lớn trong việc tiếp tục củng cố, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân các cấp, biến chính quyền thành công cụ hữu hiệu chỉ huy và tổ chức cuộc kháng chiến, kiến quốc. Đây là kết quả của một loạt các cải cách về cơ chế tổ chức của chính quyền do Bộ Nội vụ nghiên cứu và đề xuất, nhằm làm cho chính quyền nhà nước Việt Nam phù hợp nhất với điều kiện chiến tranh ở từng vùng; đồng thời, phát huy được cao nhất công năng và tính ưu việt của chính quyền cách mạng. Việc kiện toàn bộ máy chính quyền theo hướng vừa gọn, nhẹ, vừa chuyên nghiệp, chính quy đã làm cho các hoạt động của Bộ đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.

Thời kỳ từ năm 1955 - 1970: Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà, nhiều vấn đề mới trong công tác tổ chức bộ máy nhà nước, công chức, công vụ và các vấn đề xã hội khác được đặt ra. Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước đã đảm đương, hoàn thành nhiều nhiệm vụ to lớn, nổi bật là: kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước; hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện cải tiến tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải tiến lề lối làm việc của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác cán bộ phục vụ kế hoạch 05 năm lần thứ nhất; chỉ đạo công tác bầu cử, xây dựng, củng cố chính quyền địa phương; xây dựng chế độ quản lý và chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu biên chế, tiền lương, chế độ chính sách và bảo hiểm xã hội; điều chỉnh địa giới hành chính và phê chuẩn phân vạch địa giới hành chính; công tác hộ tịch, quản lý hàng binh, Việt kiều; hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, quân nhân và gia đình quân nhân; đẩy mạnh công tác quản lý nhà đất, công tác phòng cháy và chữa cháy...

Thời kỳ từ năm 1970-1975:Theo Quyết định số 40/QĐ-CP, ngày 26/2/1970 của Hội đồng Chính phủ, các nhiệm vụ, chức năng quản lý công tác tổ chức của Nhà nước đã được chuyển từ Bộ Nội vụ về Phủ Thủ tướng, do đồng chí Phó Thủ tướng thường trực trực tiếp chỉ đạo. Đến ngày 20/2/1973, Hội đồng Chính phủ có Nghị định số 29/NĐ-CP thành lập Ban Tổ chức của Chính phủ, đảm nhiệm là cơ quan đầu mối của Chính phủ trong lĩnh vực tổ chức Nhà nước; ở địa phương có Ban Tổ chức dân chính, phòng Tổ chức dân chính thuộc Ủy ban Hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.

Năm 1994, căn cứ Luật Tổ chức Chính Phủ ban hành ngày 30/9/1992, Chính phủ ban hành Nghị định số 181/CP, ngày 9/11 quy định Ban Tổ chức cán bộ của Chính phủ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy Nhà nước, công chức và biên chế Nhà nước, lập Hội quần chúng và tổ chức phi Chính phủ, phân vạch địa giới hành chính và công tác lưu trữ tài liệu quốc gia. Năm 1995, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ được bổ sung thêm một số nhiệm vụ như: Giúp Chính phủ thống nhất các hoạt động hợp tác nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính, làm đầu mối hợp tác với ASEAN trong lĩnh vực công vụ; chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ; cho phép thành lập và phê duyệt điều lệ Hội, Hiệp hội, các tổ chức kinh tế... Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành Tổ chức Nhà nước đã phối hợp với các ngành, các cấp triển khai đưa các Nghị quyết của Trung ương Đảng về cải cách hành chính, về xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước vào cuộc sống; xây dựng để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ năm 1992, năm 2001, năm 2015, Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) năm 1994, năm 2003 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; xây dựng để trình Chính phủ ban hành các nghị định về chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ... Trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thời kỳ đổi mới, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 1998, sửa đổi, bổ sung năm 2000 và năm 2003, Luật cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước đi vào nề nếp; ban hành nhiều chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính và cán bộ chính quyền cơ sở; cải cách tiền lương; Chương trình tổng thể cải cách nền hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010 và giai đoạn 2011-2020.

Tại kỳ họp thứ nhất ngày 5/8/2002, Quốc hội khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 02/2002/QH11 quy định và đổi tên Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ thành Bộ Nội vụ. Qua 76 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước với các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và nhiều thách thức nhưng với truyền thống vẻ vang của ngành, lớp lớp thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của ngành luôn trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.Với những thành tích ấy, Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Cờ Thi đua của Chính phủ năm 2018, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2015... Đặc biệt, ngày 30/5/2005, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký ban hành Quyết định số 535/2005/QĐ/CTN về việc tặng thưởng Huân chương Sao vàng cho Bộ Nội vụ để ghi nhận những công lao to lớn, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Cùng với sự trưởng thành và lớn mạnh của ngành Nội vụ cả nước, ngành Nội vụ tỉnh Bình Định cũng gần 20 năm xây dựng và phát triển.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, công tác tổ chức bộ máy, cán bộ công chức thuộc khu vực Nhà nước được chuyển giao từng bước từ sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy qua UBND tỉnh. Để giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác tổ chức, xây dựng chính quyền, xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, UBND cách mạng tỉnh Bình Định đã quyết định thành lập Phòng Tổ chức cán bộ UBND cách mạng tỉnh do đồng chí Đỗ Văn Hóa, nguyên ủy viên Ban Tổ chức tỉnh làm Trưởng phòng.

Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, trước yêu cầu thực tế đòi hỏi về công tác tổ chức nhà nước ở địa phương và thực hiện hướng dẫn của Ban Tổ chức- Cán bộ của Chính phủ, ngày 06/12/1976 Chủ tịch UBND tỉnh Nghĩa Bình đã ký Quyết định số 954 QĐ/CT thành lập Ban Tổ chức của Ủy ban nhân dân tỉnh, sau đó đổi tên thành Ban Tổ chức chính quyền đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Nhâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban Ban Tổ chức của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng chí Hoàng Tống, Trưởng Phòng Tổ chức Ủy ban làm Phó Trưởng ban Thường trực. Nhiệm vụ chung của Ban Tổ chức của Ủy ban nhân dân tỉnh là tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và củng cố chính quyền các cấp; xây dựng và kiện toàn bộ máy các ty, ban, ngành của tỉnh và các huyện, thị; thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước đã ban hành.

Ngày 30/6/1989, thực hiện Quyết định số 83/QĐ-BCT của Bộ Chính trị, tỉnh Bình Định được tái lập và Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Bình Định được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/1989. Đến cuối năm 2003, căn cứ Quyết định số 248/2003/QĐ-TTg ngày 20/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 194/2003/QĐ-UB ngày 05/12/2003 đổi tên Ban Tổ chức chính quyền thành Sở Nội vụ và chính thức sử dụng tên gọi này cho đến nay.

Năm 2008, thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh giản bộ máy của Đảng và Nhà nước, Ban Tôn giáo, Ban Thi đua – Khen thưởng, Trung tâm Lưu trữ  được chuyển giao và sáp nhập vào Sở Nội vụ. Sau khi sáp nhập, tổ chức bộ máy của Sở Nội vụ gồm 07 phòng chuyên môn và 03 đơn vị trực thuộc.

Thực hiện Thông tư số /2014/TT-BNV ngày 30/10/2014 của Bộ Nội vụ, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Sở Nội vụ tiếp tục được kiện toàn theo Quyết định số 2139/QĐ-UBND ngày 23/6/2015 của UBND tỉnh với cơ cấu tổ chức gồm 06 phòng chuyên môn và 03 đơn vị trực thuộc, là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh và chỉ đạo chuyên môn của Bộ Nội vụ. Cấp huyện có 11 phòng Nội vụ, hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và sự chỉ đạo chuyên môn của Sở Nội vụ. Từ đây, Sở Nội vụ với chức năng của một cơ quan chuyên môn cấp tỉnh quản lý nhà nước đa ngành, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy; vị trí việc làm; biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tôn giáo; thi đua - khen thưởng và công tác thanh niên. Hàng năm, Sở Nội vụ đều phát động phong trào thi đua đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động, các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc, tạo không khí thi đua sôi nổi, hăng hái thi đua thực hiện tốt các mục tiêu đăng ký đầu năm; khắc phục khó khăn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Qua các phong trào thi đua nhiều công chức, viên chức của Sở Nội vụ đã có sáng kiến, cải tiến phương pháp làm việc nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác và đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và được UBND tỉnh, Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương lao động hạng Ba”. Tập thể Sở Nội vụ nhiều năm liền được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ tặng Bằng khen.

Hội nghị sơ kết ngành Nội vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021

 76 năm qua dù tên gọi và chức năng, nhiệm vụ có thay đổi, nhưng ngành Tổ chức Nhà nước tỉnh Bình Định đã không ngừng trưởng thành và phát triển; các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức luôn luôn trung thành, tận tuỵ, nỗ lực phấn đấu, đóng góp trí tuệ, công sức vào xây dựng Tổ chức bộ máy chính quyền vững mạnh. Tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành Tổ chức nhà nước mỗi công chức, viên chức, người lao động ngành Tổ chức nhà nước tiếp tục đoàn kết, quyết tâm thi đua, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của Ngành Tổ chức Nhà nước./.


Trần Thị Thu Lượng - VPS  (Cập nhật ngày 27-08-2021)   

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây