Tư tưởng Hồ Chí Minh về phê bình và tự phê bình được nhắc đến trong các tác phẩm, bài viết của Người. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (bút danh X.Y.Z, tháng 10/1947), Hồ Chí Minh đã bàn đến việc phê bình và tự phê bình, và là một trong những nhiệm vụ để sửa đổi lối làm việc của Đảng. Người nhấn mạnh: “ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công."
Để phê bình và tự phê bình đem lại kết quả thật sự, Hồ Chí Minh đã chỉ ra vai trò của phê bình và tự phê bình, và đây là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng. Người viết: “Chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa hết những bệnh ấy. Có như thế Đảng mới chóng phát triển”. Đồng thời, Người đã chỉ rõ nội dung và mối quan hệ biện chứng giữa phê bình và tự phê bình: “Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình”; “Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình”; “Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm”.
Học tập, quán triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh, trong suốt lịch sử ra đời và lãnh đạo cách mạng của mình, Đảng ta luôn chú trọng đến việc thực hành nguyên tắc phê bình và tự phê bình, bảo đảm xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, xứng đáng là Đảng cầm quyền lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: Các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc chỉ đạo, tổ chức thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã gương mẫu, nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, chú trọng gợi ý kiểm điểm đối với những tập thể, cá nhân có biểu hiện vi phạm. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã giành thời gian thỏa đáng để kiểm điểm cấp mình, trực tiếp dự chỉ đạo, gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý; coi trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình”. Nhờ đó, đã góp phần xây dựng đạo đức cách mạng của Đảng và đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực.
Đại hội chi bộ ở cơ sở là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng; cũng là dịp để các chi bộ và đảng viên thực hiện trách nhiệm, quyền của mình trong thực hành phê bình và tự phê bình, góp phần củng cố và xây dựng chi bộ đoàn kết, thống nhất, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.
Thứ nhất, đối với mỗi chi bộ thực hiện tự kiểm điểm quá trình lãnh đạo thực hiện Nghị quyết đại hội của chi bộ mình, đánh giá những thành tựu, kết quả đạt được cũng như vạch ra những khuyết điểm, hạn chế. Đây là cơ sở, giúp cho Đại hội tham gia, đóng góp ý kiến, giải pháp, góp phần phát huy những ưu điểm, kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Giúp cho Đại hội xây dựng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp khách quan, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm để chi bộ lãnh đạo và hoàn thành thắng lợi Nghị quyết đề ra.
Thứ hai, đối với ban chấp hành, cấp ủy tự kiểm điểm quá trình lãnh đạo thực hiện Nghị quyết và hoạt động của chi bộ trong nhiệm kỳ; rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng chi bộ vững mạnh, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, đối với mỗi đảng viên, là dịp để tham gia, đóng góp những ý kiến, giải pháp đối với chi bộ mình, mà trực tiếp đối với công tác lãnh đạo đạo của cấp ủy chi bộ, những ý kiến đó có thể là nêu lên những ưu điểm, cũng có thể thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế. Đó là trách nhiệm, quyền của mỗi đảng viên. Giúp cho chi bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục lãnh đạo, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất.
Đồng thời, qua đó, mỗi đảng viên cũng tự phê bình, kiểm điểm trách nhiệm của bản thân đối với kết quả cũng như những hạn chế, khuyết điểm của chi bộ mình. Từ đó, sẽ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong tham gia xây dựng đảng, xây dựng chi bộ đoàn kết, thống nhất, bảo đảm lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Để vận dụng và thực hành tư tưởng Hồ Chí Minh về phê bình và tự phê bình đạt kết quả thiết thực, mỗi chi bộ và đảng viên cần quan tâm một số bài học kinh nghiệm và giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và thực hành nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phê bình và tự phê bình trong Đảng: “Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ; cấp ủy cấp trên chủ động gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân ở những nơi có vấn đề phức tạp, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; coi trọng kiểm tra việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.
Hai là, mọi hoạt động của chi bộ, nhất là công tác lãnh đạo của ban chấp hành, cấp ủy phải thật sự dân chủ, đoàn kết, thống nhất; thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng và tổ chức của Đảng, gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII: “Đổi mới nội dung, phương thức, phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực của cấp uỷ, bí thư cấp uỷ ở cơ sở, bảo đảm vai trò hạt nhân và lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết trong Đảng”.
Ba là, thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy, bảo đảm các nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất; nâng cao chất lượng sinh hoạt theo hướng thiết thực, trọng tâm, trọng điểm; kịp thời thông tin, phổ biến, quán triệt chủ trương, nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thời sự trong nước và ngoài nước; lắng nghe và giải quyết nguyện vọng chính đáng của đảng viên và nhân dân. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên. Luôn đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, nhân dân lên trên lợi ích của tập thể và cá nhân.
Bốn là, mỗi chi bộ và đảng viên phải thường xuyên rèn luyện phê bình và tự phê bình, thực hành sáng tạo, và “phải khéo”. Phê bình thì phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật. Cần tránh một số bệnh, như “hẹp hòi”, “trù dập”… trong phê bình và tự phê bình.
Năm là, kiên quyết chống lại các bệnh tự mãn, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa. Phải thực hành khẩu hiệu: “Chí công vô tư; cần, kiệm, liêm, chính”./.
Tác giả bài viết: Chi bộ Công chức, viên chức
Ý kiến bạn đọc