KHAI MẠC TRƯNG BÀY TÀI LIỆU LƯU TRỮ “KÝ ỨC THANH XUÂN TRÊN ĐẤT BẮC” VÀ LỄ TRAO HỒ SƠ, KỶ VẬT CỦA CÁN BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐI B

Thứ tư - 28/08/2024 17:15 174 0
Sáng ngày 28/8/2024, tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử - Sở Nội vụ đã khai mạc Trưng bày tài liệu lưu trữ "Ký ức thanh xuân trên đất Bắc" và Lễ trao hồ sơ, kỷ vật của cán bộ tỉnh Bình Định đi B.
KHAI MẠC TRƯNG BÀY TÀI LIỆU LƯU TRỮ “KÝ ỨC THANH XUÂN TRÊN ĐẤT BẮC”  VÀ LỄ TRAO HỒ SƠ, KỶ VẬT CỦA CÁN BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐI B

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành tổ chức Nhà nước (28/8/1945-20/8/2024); kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024); hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm 70 năm Thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ về thực hiện chuyển quân tập kết ra Bắc tại Cảng Quy Nhơn (8/1954 - 8/2024); Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định tổ chức trưng bày chuyên đề tài liệu lưu trữ ‘‘Ký ức thanh xuân trên đất Bắc” nhằm giới thiệu, quảng bá những tài liệu, tư liệu, hình ảnh, hiện vật về thực hiện chuyển quân tập kết ra Bắc tại Cảng Quy Nhơn; tư liệu về hoạt động của cán bộ miền Nam và các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc; hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B.
Tham dự buổi Lễ có đồng chí Phạm Văn Thanh, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; Bà La Thị Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III; Lãnh đạo Sở Nội vụ cùng đông đảo cán bộ là học sinh miền Nam trên đất Bắc, cán bộ đi B và gia đình; đến dự còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh Bình Định; lãnh đạo các đơn vị thuộc Sở Nội vụ; đại diện lãnh đạo Trung tâm Lưu trữ tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Gia Lai; các bảo tàng và các khách mời. 
Để hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B trở về với chính chủ nhân của nó là hết sức cần thiết, thiêng liêng, ý nghĩa và nhân văn sâu sắc, tại buổi Lễ, trong số 57 bộ hồ sơ, kỷ vật có thân nhân, gia đình đủ điều kiện trao trả, Ban Tổ chức thực hiện trao hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B cho 37 thân nhân, gia đình cán bộ tỉnh Bình Định đi B có mặt tại buổi Lễ. Theo đó, Bình Định là địa phương đã thực hiện trao hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B với số lượng nhiều nhất trên cả nước từ trước đến nay.
Lễ trao hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B và Trưng bày tài liệu lưu trữ "Ký ức thanh xuân trên đất Bắc” chính là nhằm phát huy giá trị khối tư liệu đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Lịch sử tỉnh Bình Định, các Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ. Đây cũng là hoạt động thể hiện sự tôn vinh và tri ân đối với những người có công với đất nước; nâng cao ý nghĩa giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng trong Nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Qua triển lãm, Ban Tổ chức mong muốn giới thiệu rộng rãi khối hồ sơ, kỷ vật nhằm thông tin để cán bộ đi B hoặc người thân sớm biết được và nhận lại hồ sơ kỷ vật của mình.
Phát biểu tại buổi Lễ, bà Nguyễn Thị Nga, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã nhấn mạnh: Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B là toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, kỷ vật được hình thành trong quá trình hoạt động của cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể địa phương được cử vào Nam công tác (gọi là đi B) và từ các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc công tác, an dưỡng, chữa bệnh, sau đó trở về miền Nam.
Trước khi vào Nam, theo quy định, các cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân... (gọi là hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B) cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ. Trong mỗi bộ hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, ngoài tài liệu phản ánh những thông tin cá nhân như: Sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, sổ Đoàn... còn có nhiều kỷ vật như huân chương, huy chương, giấy khen, bằng khen, album ảnh, nhật ký, sổ tay, thẻ tiết kiệm, công trái, vàng...
Sau khi Ủy ban Thống nhất Chính phủ giải thể năm 1976, hồ sơ, kỷ vật được chuyển về cho Ban Tổ chức Trung ương. Tháng 8/1981, Ban Tổ chức Trung ương đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu của Ủy ban Thống nhất Chính phủ trong đó có khối hồ sơ, kỷ vật chuyển về cho Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước quản lý, hiện nay đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã chỉnh lý khoa học khối tài liệu này; đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu để tra cứu trên mạng internet với hơn 72.000 hồ sơ cán bộ đi B từ các tỉnh, thành trong cả nước, triển khai Đề án sao và trả hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B, trong đó đã trao Danh mục và sao trả 55.722 bản sao hồ sơ cán bộ đi B về Chi cục Văn thư và Lưu trữ 63 tỉnh, thành phố, phục vụ việc nhận lại hồ sơ của cán bộ đi B.
Với số lượng 5.442 hồ sơ, kỷ vật, tình Bình Định là địa phương có số lượng  hồ sơ, kỷ vật nhiều nhất đang được lưu giữ, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư Lưu trữ.
Trong thời gian đến các cơ quan báo chí, truyền thông và chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về danh sách cán bộ đi B và tổ chức Lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ đi B. Hằng năm, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã đón tiếp và phục vụ các cán bộ đi B, thân nhân có nhu cầu về thông tin và nhận kỷ vật tại Phòng Đọc Trung tâm.
Đây là là hoạt động thiết thực mà cơ quan lưu trữ thực hiện như một lời tri ân, tôn vinh những hy sinh, đóng góp của các cán bộ đi B dân sự đã góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Qua Trưng bày tài liệu lưu trữ "Ký ức thanh xuân trên đất Bắc", Ban Tổ chức mong muốn giới thiệu rộng rãi khối Hồ sơ, kỷ vật nhằm thiết thực thông tin để cán bộ đi B và người thân sớm biết được và nhận lại Hồ sơ kỷ vật của mình./.         
Một số hình ảnh:

                                                                 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tác giả bài viết: Lâm Trường Định - TTLT

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây