Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm

Thứ ba - 24/06/2014 11:05 4.692 0
“Nói thì phải làm”, chỉ với bốn từ đơn giản tưởng chừng như rất dễ thực hiện ấy, nhưng suốt cả cuộc đời mình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng phấn đấu làm gương cho sự thống nhất giữa tư tưởng, lời nói với hành động và hiệu quả. Đối với mỗi người, để thực hiện được việc thống nhất giữa lời nói với hành động, lời nói đi đối với việc làm, là điều không dễ, cần phải có sự cố gắng, bền bỉ và sự quyết tâm cao, bởi bất kỳ công việc nào, nhiệm vụ gì, dù lớn hay nhỏ, khó hay dễ, phức tạp hay giản đơn, nếu không ra sức phấn đấu, không tích cực, tự giác, không ý thức được tinh thần, trách nhiệm của mình và vượt qua được sự cám dỗ của lợi ích cá nhân, lòng ích kỷ, thì cũng không thể thành công được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con vĩ đại, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, đã hiến dâng tất cả tình cảm và cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Người đã để lại một tài sản tinh thần vô giá là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và thời đại. “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị có sức lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác với chủ đề xuyên suốt toàn khóa và chuyên đề năm 2013, năm 2014, chúng ta có thêm chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”.

Vừa rồi, bài tham luận của đồng chí Hồng đã giúp các đồng chí có một cách nhìn tương đối cụ thể về tư tưởng đạo đức “Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân”, tôi xin được bàn thêm đôi điều về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm” - nguyên tắc đầu tiên trong ba nguyên tắc đạo đức cách mạng theo quan niệm của Hồ Chí Minh: nói thì phải làm, xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời.

“Nói thì phải làm”, chỉ với bốn từ đơn giản tưởng chừng như rất dễ thực hiện ấy, nhưng suốt cả cuộc đời mình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng phấn đấu làm gương cho sự thống nhất giữa tư tưởng, lời nói với hành động và hiệu quả. Đối với mỗi người, để thực hiện được việc thống nhất giữa lời nói với hành động, lời nói đi đối với việc làm, là điều không dễ, cần phải có sự cố gắng, bền bỉ và sự quyết tâm cao, bởi bất kỳ công việc nào, nhiệm vụ gì, dù lớn hay nhỏ, khó hay dễ, phức tạp hay giản đơn, nếu không ra sức phấn đấu, không tích cực, tự giác, không ý thức được tinh thần, trách nhiệm của mình và vượt qua được sự cám dỗ của lợi ích cá nhân, lòng ích kỷ, thì cũng không thể thành công được. Kết quả công việc là thước đo của mỗi người. Với cán bộ, đảng viên và những người làm công tác lãnh đạo thì lời nói với việc làm lại càng quan trọng và cần thiết, vì cán bộ là gốc của mọi công việc, là những tấm gương để quần chúng noi theo.

Nói đi đôi với làm trước hết là nói phải đúng chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, không được xuyên tạc, nói sai. Cán bộ, đảng viên phải nắm vững đường lối cách mạng của Đảng để thực hiện cho đúng, để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân làm theo.

Theo Người, nói đi đôi với làm là “đã hứa là làm”, lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. “Làm” chính là hành động, hoạt động thực tiễn, là tổ chức thực hiện, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước vào cuộc sống.

Hồ Chí Minh yêu cầu “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành như thế nào. Nếu không như vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hoá ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”. Mỗi người, mỗi ngành, mỗi giới, mỗi tầng lớp nhân dân đều có những công việc, nhiệm vụ, cách làm và trách nhiệm riêng, cần phải có cách làm sao cho thiết thực, nhanh, gọn và đạt hiệu quả cao. Cán bộ cần phải đi sâu đi sát, kiểm tra đôn đốc kết quả của việc thực hiện những công việc đã đề ra, không thể làm theo lối quan liêu, như cách “Tỉnh gửi giấy về huyện, huyện gửi giấy về xã…”

Nói đi đôi với làm là không được “Nói một đàng, làm một nẻo”. Theo Hồ Chí Minh, lời nói phải đi đôi với việc làm, nói được làm được sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Khi đề ra công việc, phải tránh cách nói chung chung, đại khái và khó hiểu. Khi nói cần phải cụ thể, thiết thực, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết thì không được. Nếu rói rằng phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, mà bản thân mình lại lười biếng, không hoàn thành những công việc được giao, không tiết kiệm, sống hoang phí, xa hoa, luôn tìm cách tham ô tiền của Nhà nước và nhân dân... thì những lời nói đó sẽ không có tác dụng giáo dục.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về nói đi đôi với làm trong mọi lĩnh vực, mối quan hệ, mọi tình huống đặt ra. Đứng trước nạn đói 1945 ở miền Bắc, để tiết kiệm gạo cứu đói, Người kêu gọi và thực hành nghiêm túc 10 ngày nhịn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa để đem gạo cứu dân nghèo. Ngay cả trong đời thường mỗi lần đi công tác cơ sở, Người đều làm gương và căn dặn anh em cán bộ phải chủ động đưa cơm nắm, muối vừng chứ không làm phiền địa phương, tránh lãng phí;khuyên nhân dân rèn luyện thân thể để có sức khỏe kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công thì bản thân Người ngày nào cũng tập thể dục; phát động Tết trồng cây, Người cũng tiên phong đi đầu…

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, về góc độ cá nhân, bản thân tôi cho rằng, vấn đề đạo đức “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm” đã được cán bộ, đảng viên Chi bộ Văn phòng Sở nhận thức và thực hành tương đối tốt, thể hiện rõ nét nhất qua chất lượng và tiến độ thực hiện kế hoạch công tác đề ra từ đầu năm của Văn phòng Sở. Đặc biệt là những nhiệm vụ đột xuất, yêu cầu gấp về thời gian như chuẩn bị nội dung phục vụ các buổi làm việc của các Bộ, ngành, Trung ương, Văn phòng cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Sở. Có được kết quả đó, chính là nhờ tinh thần trách nhiệm, nội bộ đoàn kết, thống nhất, giúp đỡ chia sẻ nhau trong công việc, cá nhân thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo sự phân công của Lãnh đạo Văn phòng, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng “nói không đi đôi với làm”, “nói một đàng làm một nẻo”, “nói mà không làm”, “nghĩ một đằng, nói một đằng”, “nói với cấp trên khác, nói với cấp dưới khác” đang diễn ra ở nhiều nơi, ở không ít người. Bệnh nói dối, làm sai, dối cấp trên, dối dân để bớt xén vì lòng tham, bao che khuyết điểm cho nhau, hình thành phe phái…đang gây bức xúc trong xã hội, làm mất niềm tin trong nhân dân.

Ở Chi bộ Văn phòng, vấn đề thực hành đạo đức “nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm” bên cạnh những kết quả tích cực, cũng còn nhiều điều cần phải xem xét. Tôi xin bắt đầu bằng một ví dụ rất cụ thể: Trong một cuộc họp cơ quan, họp chi bộ cuối năm, mỗi cán bộ, đảng viên đều tự nhận xét bản thân: Chấp hành nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước và quy chế làm việc của cơ quan…Thế nhưng, trong thực tế, liệu có hoàn toàn đúng như vậy? Đâu đó, vẫn có những văn bản tham mưu chưa chuẩn do chưa nắm chắc tinh thần văn bản cũng như ý kiến chỉ đạo của cấp trên; một số cán bộ còn có hiện tượng “ăn cắp” giờ nhà nước để chơi game, làm việc riêng, điện thoại, cà phê…

Một ví dụ khác, tại buổi làm việc với các phòng chuyên môn đầu năm 2014, Giám đốc Sở đã chỉ đạo các phòng phải tiến hành giao ban tuần, tháng, quý để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ trong kỳ và triển khai kế hoạch kỳ tới, mời Phó Giám đốc Sở phụ trách dự đối với họp giao ban hàng tháng và Ban Giám đốc Sở dự đối với cuộc họp giao ban hàng quý. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Sở, Văn phòng mới chỉ tổ chức sinh hoạt Chi bộ theo định kỳ hàng tháng, trong nội dung sinh hoạt có đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị và triển khai nhiệm vụ trong tháng tới. Chưa tổ chức giao ban theo quý. Đó cũng là 1 trong những biểu hiện cụ thể của việc nói không đi đôi với làm, đề ra chủ trương nhưng không được thực hiện.      

Tại Văn phòng Sở, mỗi chuyên viên được lãnh đạo Văn phòng giao những nhiệm vụ khác nhau căn cứ vào chuyên môn, trình độ, năng lực cụ thể. Bản thân mỗi người cần phải nghiên cứu, nắm vững chủ trương, pháp luật có liên quan, vận dụng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị, tự xây dựng kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ được giao trên cơ sở tuân thủ nội quy, quy chế làm việc của cơ quan. Tuy nhiên, không phải lúc nào cá nhân cũng có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việcđược giao dẫn đến xây dựng kế hoạch nhưng không triển khai thực hiện hoặc triểnkhai không đúng lộ trình, thường xuyên chậm trễ, chất lượng, hiệu quả công việc không cao. Bản thân tôi cũng vậy, có những lúc chủ quan về mặt thời gian, vừa làm vừa nghiên cứu, không quyết tâm thực hiện theo đúng kế hoạch đã vạch ra dẫn đến công việc bị tồn đọng, đến ngày nộp sản phẩm thì phải “chạy đua”, dẫn đến có những báo cáo câu chữ không gãy gọn, không bao quát được tình hình, kết quả hoạt động của ngành…

Trong thực tế, nói thì dễ, làm mới khó. Khuyên người khác thì dễ, nhưng làm theo lời khuyên đó thì khó hơn nhiều. Để làm được, mỗi cá nhân cần phải tự giác, ý thức được trách nhiệm của mình trên từng cương vị công tác, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân và phải quyết tâm thực hiện ngay từ đầu. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi tuyệt đối hoá việc làm đến mức chỉ có làm mà không biết nói, không biết tổ chức tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, khi đó, sẽ không phát huy hết hiệu quả của việc làm. Như vậy, sự thống nhất biện chứng giữa lời nói và việc làm đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải vừa nói hay, vừa làm giỏi. Cố nhiên, sự thống nhất ấy không có nghĩa là lời nói và việc làm lúc nào cũng phải cân bằng tuyệt đối với nhau mà còn tuỳ thuộc vào từng môi trường, lĩnh vực, công việc cụ thể.     

Cuộc sống hôm nay đã phát triển hơn nhiều lần so với thời Bác còn sống. Cái ăn, cái mặc, không còn là nỗi lo thường trực trong đại đa số nhân dân như xưa. Nhưng tư tưởng đạo đức về  “nói đi đôi với làm” của Bác luôn là bài học và là tấm gương cho mỗi người, không chỉ trong công tác lãnh đạo mà còn trong cuộc sống thường nhật. Học ở Bác Hồ kính yêu, nói và làm, đó là trách nhiệm, là lương tâm, là một trong những cái Đức cao quý của người cán bộ, đảng viên. 


Huỳnh Thị Phương Thanh - VP Sở  (Cập nhật ngày 24-06-2014)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây