Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân

Thứ hai - 23/06/2014 11:04 3.164 0
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh thường xuyên và lâu dài, phức tạp, thậm chí có cả mất mát, hy sinh, đòi hỏi phải thực hiện một cách quyết liệt, triệt để với nhiều giải pháp đồng bộ, kiên trì và liên tục. Đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức trong thời kỳ đổi mới.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng. Người coi đó là cuộc đấu tranh trực tiếp liên quan tới vận mệnh của Đảng và quyết định đến thành công của sự nghiệp cách mạng. Tinh thần đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng, nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được Hồ Chí Minh thể hiện rõ trong những bài nói, viết về công tác xây dựng đảng, về rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, góp phần hình thành tư tưởng lý luận, thực tiễn về công tác xây dựng đảng và có ý nghĩa đối với xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng”. Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của cách mạng, nó là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hoá Đảng, chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân thì cách mạng còn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm cần thiết, thường xuyên của những người cộng sản chân chính. Người cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên “trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết trên trán chữ “cộng sản” là được họ yêu mến”, mà phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống sa vào chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”.

Theo Người, chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân nó sẽ “ngăn trở” người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin cậy của dân với Đảng. Và: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Nguyên nhân sâu xa, xét đến cùng dẫn tới sự suy thoái biến chất, làm giảm sức chiến đấu trong Đảng đó chính là chủ nghĩa cá nhân: “Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”; “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”.

Để chống lại chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: Đối với tự mình, đừng tự mãn, tự túc; nếu tự mãn, tự túc thì không tiến bộ; phải tìm tòi, học hỏi cầu tiến bộ; đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người. Đối với công việc; việc gì cũng phải điều tra cho rõ ràng, xem xét kỹ, khi thực hiện phải làm đến nơi đến chốn, chống tư tưởng nửa vời, được chăng hay chớ, trước hết phải nghĩ cho kỹ, có việc làm trước mắt có hiệu quả, nhưng về sau không có lợi. Đối với đồng chí phải thân ái với nhau, không che đậy những điều dở; học lấy cái tốt; không tranh giành ảnh hưởng của nhau; không ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị…Đối với nhân dân, phải biết lắng nghe và cố gắng nghe được nhiều thứ, phải hiểu được nguyện vọng của nhân dân, biết được sự cực khổ của dân; phải tôn kính dân, phải làm gương, mọi cán bộ phải lấy dân làm gốc. Trong giai đoạn hiện nay tỉnh Bình Định đã và đang cùng cả nước bước vào hòa nhập với nền kinh tế thế giới thì mỗi cán bộ, công chức, mỗi đảng viên phải thật sự xây dựng là người “trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”

Chủ nghĩa cá nhân biểu hiện dưới nhiều hình thức, trong mọi khía cạnh, mọi lĩnh vực, nhưng tựu trung có thể thấy, người mang tư tưởng chủ nghĩa cá nhân là muốn mọi người vì mình, muốn mình là “trung tâm”, “trong đầu luôn thể hiện cái tôi là trên hết” và không muốn ai hơn mình; đòi hưởng thụ, đòi thỏa mãn ham muốn cá nhân; không muốn khổ trước, sướng sau mọi người. Bác Hồ đã chỉ ra “Họ yêu cầu hưởng thụ, yêu cầu nghỉ ngơi, họ muốn lựa chọn công tác theo ý thích cá nhân mình, không muốn làm công tác mà đoàn thể giao phó cho họ. Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng” từ những phân tích đó Bác cũng chỉ ra những ai như thế, những cá nhân có tư tưởng như vậy là bị chủ nghĩa cá nhân thao túng “dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng cho cách mạng” từ đó chúng ta thấy rằng trong nền kinh tế thị trường, những mặt trái của cơ chế sẽ tác động vào mỗi người trong từng lúc, từng nơi, tác động vào mọi ngõ ngách cuộc sống, nếu không có quan điểm lập trường vững vàng, thì không sao tránh khỏi, sẽ bị sa ngã là điều tất yếu.

Chủ nghĩa cá nhân còn là thái độ kiêu ngạo, công thần, quan liêu, Bác chỉ ra: một số ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc…họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; họ không tự phê bình hoặc phê bình không thật thà, nghiêm chỉnh; họ sợ tự phê bình sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng, họ xem khinh những cán bộ ngoài Đảng. Ta thấy, tự cá nhân những cán bộ như vậy đã đánh mất niềm tin của mọi người. Bản thân những người đó tự xem mình cái gì cũng giỏi, xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng, mà chỉ muốn làm thầy thiên hạ, họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Những người như vậy còn tự cho mình được quyền hành động tự do, vô tổ chức, Bác nêu rõ: những đối tượng cán bộ như thế làm giảm sút niềm tin, ngăn trở sự nghiệp của Đảng, cản trở bước đi lên của Cách mạng. Trong giai đoạn hiện nay, đó là tình trạng không chấp hành chỉ thị, nghị quyết, trên bảo dưới không nghe; hoặc mặc dù được phổ biến quán triệt vì sự nghiệp chung, tổng thể, nhưng khi thực hiện lại nửa vời, làm qua loa, đại khái, chiếu lệ. Như phân tích, chủ nghĩa cá nhân có lúc biểu hiện một cách tinh vi, kín đáo, nhưng cũng có những lúc thể hiện một cách trắng trợn, lộ liễu, từ đó Bác nói: chủ nghĩa cá nhân nó làm cho một số cán bộ, đảng viên xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách, kỷ luật của Đảng; làm cho một số cán bộ, đảng viên tha hóa, mất phẩm chất, đạo đức. Dẫn đến đẻ ra hàng trăm thứ “bệnh nguy hiểm”: bè phái, quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, tham ô, lãng phí…dẫn đến mất lòng tin của dân đối Đảng, đối với chế độ.

Người đưa ra kết luận: “chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”.

Tại cơ quan Sở Nội vụ, vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình hiện nay vừa được xem là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt của toàn Đảng. Ngày 28/02/2014, được sự quan tâm của Đảng ủy và Lãnh Sở tổ chức Hội nghị triển khai chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2014 cho toàn thể cán bộ, công chức của Sở. Công tác chống chủ nghĩa cá nhân được đưa ra toàn thể cán bộ, công chức hưởng ứng tích cực thể hiện qua thường xuyên thực hành dân chủ trong Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, qua đó phát huy vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; thường xuyên tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, trở thành nền nếp trong sinh hoạt của các cấp uỷ, tổ chức đảng; coi trọng xây dựng quy chế làm việc và thực hiện đúng quy chế, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cá nhân trong tổ chức, nhất là thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc; kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, về hành vi đạo đức, lối sống, giữa nói và làm.

Về chống chủ nghĩa cá nhân tại cơ quan Sở Nội vụ, được sự quan tâm của Đảng ủy, Lãnh đạo Sở về mặt thực hiện chủ trương, các chính sách của Đảng và Nhà nước luôn luôn đặt lợi ích của tập thể lên hàng đầu, không tư lợi của một cá nhân nào. Tại cơ quan khi đưa ra một số quy chế, quy định thì đều đưa ra trước tập thể để bàn luận lấy ý kiến, tham gia góp ý, chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp rồi mới ban hành.

Ví dụ: Hàng năm trước khi bàn hành Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan vì quy chế này liên quan đến lợi ích của từng cá nhân nên đều thông qua văn bản gửi  phòng chuyên môn tham gia góp ý và đưa ra họp trước hội nghị cán bộ công chức hàng năm để đảm bảo quy tắc công bằng, không vì mục đích của cá nhân nào cả. Chi phí tiết kiệm được được chia đều cho mỗi cán bộ, công chức.

Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh thường xuyên và lâu dài, phức tạp, thậm chí có cả mất mát, hy sinh, đòi hỏi phải thực hiện một cách quyết liệt, triệt để với nhiều giải pháp đồng bộ, kiên trì và liên tục. Đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức trong thời kỳ đổi mới. Thực hiện tốt lời dạy của Bác, mỗi người chúng ta cần cố gắng, nỗ lực hết mình để chăm lo hạnh phúc của nhân dân, ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện noi gương theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để thực sự là những người cán bộ, đảng viên chân chính hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, như di chúc của Bác Hồ kính yêu đã dạy./.


Huỳnh Thị Kim Hồng - VP. Sở  (Cập nhật ngày 23-06-2014)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây