Vai trò của văn hóa công vụ trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, phục vụ Nhân dân trên địa bàn tỉnh hiện nay

Thứ năm - 03/10/2024 14:27 160 0
Trong những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm lãnh chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về văn hóa công vụ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, phục vụ nhân dân, hướng đến xây dựng bộ máy chính quyền địa phương có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân.
Vai trò của văn hóa công vụ trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, phục vụ Nhân dân trên địa bàn tỉnh hiện nay

Trong đó, đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, gắn với việc học lập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương các khóa XI, XII, XIII. Những kết quả đã được đã góp phần phần củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đóng góp tích cực xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ; cụ thể:
1. Nội dung văn hóa công vụ
Nội dung cơ bản của văn hóa công cụ theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, đó là:
Một là, tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Cán bộ, công chức, viên chức phải trung thành với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng và tận tụy phục vụ Nhân dân. Khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ý thức rõ về chức trách, bổn phận của bản thân. Cụ thể là: (i) phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó. Tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”; (ii) phải có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; tránh hiện tượng trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; (iii) Không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân; (iv) Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo phải công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá cán bộ thuộc quyền quản lý; không lợi dụng vị trí công tác để bổ nhiệm người thân quen; chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín.
Hai là, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Đối với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức. Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng. Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được duy ý chí, áp đặt, bảo thủ; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới; gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử.
Ba là, chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức. Cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không có biểu hiện cơ hội, sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ. Cán bộ, công chức, viên chức không được đánh bạc, sa vào các tệ nạn xã hội; không được sử dụng đồ uống có cồn trong thời gian làm việc và giờ nghỉ trưa; hút thuốc lá đúng nơi quy định; phải tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ. Cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; không mê tín dị đoan và có những hành vi phản cảm khi tham gia lễ hội.
Bốn là, trang phục của cán bộ, công chức, viên chức. Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù trang phục của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đối với những ngành có trang phục riêng thì phải thực hiện theo quy định của ngành.
Thực hiện tốt các quy định về văn hóa công vụ góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ; góp phần kề thừa, phát huy các giái trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, đạo đức nghề nghiệp của viên chức, kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, góp phần nân cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
2. Một số kết quả đạt được về thực hiện việc xây dựng văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh hiện nay
Một là, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND ngày 04/5/2019 quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định về thực hiện văn hóa công vụ, văn hóa công sở là một trong những tiêu chí cơ bản trong Bộ chỉ số đánh giá kết quả cải cách hành chính của tỉnh. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đối với việc quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Quy chế văn hóa công sở, Đề án văn hóa công vụ, góp phần đảm bảo các nội dung của Quy chế văn hóa công sở, Đề án văn hóa công vụ được quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên, thực chất.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 02/8/2019 về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bình Định thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025; các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động các nội dung của Đề án văn hóa công vụ, về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan nhà nước các cấp và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách hành chính; về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu hiện nay… để phát huy, tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh tinh thần dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung ở các cấp, các ngành và của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức.
Triển khai, quán triệt thực hiện Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương; thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 10/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu hiện nay; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 2953/UBND-NC ngày 12/5/2023 về việc triển khai thực hiện Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 6549/UBND-NC ngày 11/9/2023 về thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 10/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Hai là, công tác tổ chức thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các quy định về văn hóa công vụ, gắn với triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; triển khai thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Tiếp tục rà soát, bổ sung, ban hành các nội quy, quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc của cơ quan, nhất là rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết công việc, để xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong từng khâu, từng bước thực hiện, rút ngắn thời gian giải quyết công việc.
Quán triệt, triển khai đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cấp trên. Gắn liền với xây dựng nền nếp làm việc khoa học, các cơ quan, đơn vị đã bố trí hợp lý số lượng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức.
Các cơ quan, đơn vị, đại phương kịp thời chấn chỉnh một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh tổ chức và người dân; thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức không được thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân. Cùng với việc triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính, nhất là đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành đã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhờ vậy, kết quả chỉ số mức độ hài lòng của người dân đối với sự phối hợp của cơ qun hành chính Nhà nước năm 2023 đạt 83,73% vị trí thứ 20/63 tỉnh, thành phố, tăng 01 bậc so với năm 2022 và chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2023 đạt 87,29%, vị trí 31/63 tỉnh, thành phố, tăng 02 bậc so với năm 2022; 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần của tỉnh được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác ở những vị trí cần phải chuyển đổi công tác để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, các quy định của pháp luật có liên quan, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 13/02/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023. Kịp thời thay thế, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức có dư luận gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp và Nhân dân, kể cả cán bộ, công chức, viên chức thụ động, chậm trễ không chủ động giải quyết công việc thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao. Kết quả, từ năm 2021 đến năm 2023, chuyển đổi 1.016 công chức, viên chức.
Riêng năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 19/01/2024 thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức tỉnh Bình Định năm 2024, nhằm phòng ngừa tham nhũng, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp; chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính các cấp; khắc phục tình trạng trì trệ, yếu kém của công chức, viên chức khi công tác ở một vị trí, một địa bàn; nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, công chức; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Theo đó, xác định rõ trác nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của từng công chức, viên chức trong xử lý công việc, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp. Đến nay, đã 39/39 cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức quán triệt, xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác trong năm 2024 trong phạm vi của cơ quan, đơn vị, địa phương. Kết quả, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức và công chức cấp xã: 332 người. Trong đó: 100 công chức, 217 viên chức và 15 công chức cấp xã.
Để các nội dung xây dựng văn hóa công sở và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện đầy đủ, đi vào thực chất, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Tổ kiểm tra công vụ. Hằng năm, Tổ công tác về kiểm tra công vụ, Sở Nội vụ tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật của cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ tại các sở, ngành, địa phương; kiểm tra hoạt động công vụ, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và kỷ luật, kỷ cương hành chính tại cơ quan, đơn vị. Qua kiểm tra đã chấn chỉnh, khắc phục tình trạng hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn, nhất là đối với lĩnh vực đất đai trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo nền nếp trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và khắc phục tình trạng không dám làm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý công việc.
Có được những kết quả nêu trên, là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, tinh thần trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương trong quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trình độ năng lực, kỹ năng của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở, có nơi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; trách nhiệm kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến kết quả giải quyết công việc chưa thông suốt, còn tình trạng chậm, muộn trong giải quyết công việc.
3. Trao đổi, đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian đến

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới, Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 10/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu hiện nay, Quy chế văn hóa công sở, Đề án văn hóa công vụ, nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng văn hóa công vụ và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Hai là, đề cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc xây dựng và thực thi văn hóa công vụ và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; là trách nhiệm xuyên suốt của người đứng đầu trong chỉ đạo hoạt động của tổ chức, đơn vị, địa phương.
Ba là, tập trung nâng cao đạo đức công vụ; xác định đạo đức công vụ là gốc rễ, nền tảng căn bản trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong tình hình mới; trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ gắn bó không tách rời đạo đức công vụ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương, chấp hành chỉ đạo của cấp trên và đạo đức công vụ, vì nhân dân phục vụ; khuyến khích, thúc đẩy và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghỉ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tâp trung chấn chỉnh, xử lý tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy, thờ ơ, vô cảm, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ; phòng, chống “chạy chức, chạy quyền”. Chú trọng thực hiện bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, nhất là cấp xã và cán bộ trẻ.
Bốn là, quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức, trong đó tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm phòng ngừa tham nhũng, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp; tổ chức thực hiện tốt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, địa phương tạo sự đoàn kết, thống nhất, phát huy nguồn lực, sức mạnh của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những công chức, viên chức có hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính; vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, quy tắc ứng xử; có hành vi nhũng nhiễu, cửa quyền, gây phiền hà cho tổ chức, công dân. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những công chức, viên chức có thành tích, gương mẫu trong thực hiện văn hóa công vụ, công sở./.

Tác giả bài viết: Cao Hoàng Huyên - P.CCVC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây