Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang chia sẻ, Hội thảo “Thúc đẩy kinh tế số khu vực Tây Nguyên - Nam Trung Bộ” là một hoạt động rất cần thiết và có ý nghĩa giúp các tỉnh trong khu vực có thêm ý kiến tham vấn từ các chuyên gia và nhà khoa học trong quá trình phát triển kinh tế số.
Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để các tỉnh, địa phương gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi những mô hình đã triển khai thành công, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn, thúc đẩy kinh tế số phát triển với điểm đột phá là đẩy nhanh, đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trong các doanh nghiệp dựa trên các nền tảng số.
Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho rằng, CĐS là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các nước, các địa phương, doanh nghiệp trên thế giới vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thực tế cho thấy, CĐS là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số. Cuộc dịch chuyển này diễn ra với tốc độ nhanh chóng theo ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
“Chính phủ số giúp chính quyền hoạt động công khai, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả hơn, hạn chế tham nhũng và kiến tạo sự phát triển cho xã hội. Kinh tế số không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp tăng năng suất, giảm chi phí, mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng, mang lại những tiến bộ về chất lượng cuộc sống”, ông Giang nhấn mạnh.
Theo ông Giang, Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2025 “Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP”, đến năm 2030 “Kinh tế số chiếm trên 30% GDP”. Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra mục tiêu đến 2025 “Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%”. Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt trên 50%.
Trên cơ sở các chủ trương của Trung ương, tỉnh Bình Định đã tích cực triển khai thực hiện công tác CĐS. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 về CĐS, xác định CĐS là cơ hội để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Nghị quyết đã đưa ra mục tiêu đến 2025 “Phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP”, “Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%”.
Hiện nay, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của các ngành, đơn vị trong tỉnh, công tác CĐS của Bình Định đã có chuyển biến tích cực tạo nền tảng cho sự phát triển trong thời gian tới.
Trong đó, công nghiệp công nghệ thông tin có nhiều khởi sắc với việc hình thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam. Năm 2023, tỉnh Bình Định được Bộ TT&TT, Hội Tin học Việt Nam chọn đăng cai tổ chức Hội thảo “Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam lần thứ 24”.
Ông Giang thông tin, hiện nay số lượng doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh hiện có 186 doanh nghiệp. Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung theo Quyết định số 260/QĐ-TTg ngày 18/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 2 Tập đoàn lớn về CNTT đang hoạt động là TMA và FPT với trên 1.000 nhân sự. Doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 1.363 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 57 tỷ đồng.
“Các con số nói trên tuy còn rất khiêm tốn nhưng đó là sự nỗ lực, quyết tâm chung của các cấp, các ngành tỉnh trong điều kiện xuất phát điểm của địa phương thấp, doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, năng lực quản trị và nguồn vốn cho chuyển đổi số còn hạn chế”, ông Giang nói đồng thời mong muốn thông qua hội thảo cũng có thêm nhiều nhà đầu tư về với Bình Định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang nói thêm, theo đánh giá của Bộ TT&TT, trong những năm qua, kinh tế số của nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình tăng năng suất, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, để thực hiện đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế số nêu trên, cần có thêm các giải pháp mang tính đột phá mới trên cơ sở nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp về vị trí, vai trò của chuyển đổi số trong phát triển địa phương, doanh nghiệp./.
Nguồn: tienphong.vn
Tác giả bài viết: Lê Hoàng Trung - VPS
Ý kiến bạn đọc